Scandal mặt nạ tấm ‘lung lay’ ngành công nghiệp làm đẹp xứ Hàn

03/09/2016 - 13:33
Hàng loạt các bằng chứng chứng minh nhiều hãng sản xuất mặt nạ tấm sản xuất trong điều kiện mất vệ sinh khiến ngành công nghiệp làm đẹp ‘xứ sở kim chi’ khốn đốn.

Nếu bạn là một “fan” trung thành của mặt nạ tấm nổi tiếng Hàn Quốc thì bạn có quyền được biết rằng hầu hết những tấm mặt nạ được gấp và cho vào bao bì bởi những người lao động chứ không phải là một chiếc máy.

mat-na-tam-3.jpg
 Hình ảnh công nhân đóng gói mặt nạ tại nhà.

Một người phụ nữ Hàn Quốc sống tại Seoul có nickname dvaonline22 đã đăng đàn và tuyên bố đưa mọi ‘lỗ hổng’ trong việc sản xuất mặt nạ tấm tại Hàn Quốc ra ánh sáng. Người này đã gửi tin nhắn cho trang tin Racked rằng cô có một số kinh nghiệm làm việc trong ngành công nghiệp mỹ phẩm muốn chia sẻ với hy vọng tạo nên một làn sóng phản đối quốc tế có thể khiến các công ty mỹ phẩm Hàn Quốc phải thay đổi cách họ đang  gấp mặt nạ cũng như thuê và trả lương cho công nhân.

Sau đó, trang web Racked đã tìm thấy trong một bài đánh giá của báo chí và giới truyền thông xã hội Hàn Quốc đã từng nhắc đến việc một số hãng mỹ phẩm sử dụng lao động tại nhà cho việc gấp và đóng gói mặt nạ tấm. Tất nhiên, quy trình sản xuất khong được cấp phép này là bất hợp pháp tại Hàn Quốc, tuy nhiên, vì có quá nhiều thương hiệu mỹ phẩm nhỏ lẻ nên việc quản lý quy trình này gặp nhiều khó khăn.

Hàng loạt ‘ông lớn’ dính nghi án sản xuất mất vệ sinh

Sacandal này có lẽ sẽ không quá lớn như hiện nay nếu như không có sự xuất hiện của hàng loạt các hãng mỹ phẩm lớn bị liệt vào danh sách mất vệ sinh. Đặc biệt là 3 ‘ông lớn’ Mediheal, SNP và Forencos. Cả 3 hãng này đều có gương mặt quảng cáo là người nổi tiếng và được ưa chuộng không chỉ trong nước mà ở cả nước ngoài.  

Khi liên lạc với các công ty trên để tìm hiểu thông tin, đại diện hãng Forencos mạnh dạn tuyên bố: “Vấn đề mặt nạ gấp tại nhà không liên quan đến công ty của chúng tôi nếu bạn sử dụng hình ảnh sản phẩm của chúng tôi với các bài viết như vậy, chúng tôi sẽ nghiêm túc xem xét việc khởi kiện các bạn vì tội phỉ báng”.

Trong khi đó, hãng Mediheal thẳng thắn xác nhận rằng hầu hết các mặt nạ tấm của họ đều được sản xuất tại các nhà máy tự động, tuy nhiên, một số nhà thầu phụ của họ lại sử dụng nhân công tại nhà. Và họ cho rằng điều này là hợp lý vì họ có tới 200 loại mặt nạ khác nhau khiến cho dây chuyền gấp tự động trở nên không khả thi trong việc gấp mặt nạ.

Còn về phía công ty SNP, họ cũng thừa nhận thực tế sử dụng nhân công tại gia để gấp mặt nạ, vậy nhưng cũng giống 2 hãng trên, họ một mực khẳng định rằng quá trình sản xuất luôn được giám sát và kiểm tra chặt chẽ.

Tiết lộ điều kiện sản xuất nghèo nàn và đồng lương ít ỏi của nhân công

mat-na-tam-4.jpg
 Gấp mặt nạ bằng bìa các tông cũ kỹ.

Tất cả mặt nạ tấm được sản xuất tại gia đều tuân thủ một quá trình khá thô sơ và không đảm bảo. Công việc thường được thực hiện theo nhóm khoảng từ hai đến ba người. Họ gấp mặt nạ ngay trên sàn nhà hay trên một chiếc bàn cà phê bằng… tay không. Mặt nạ được gấp theo một khuôn mẫu có sẵn giống như cách gấp áo sơ mi tại các cửa hàng bán lẻ, sau đó được nhét vào bao bì. Tại nhiều cơ sở, những khuôn mẫu gấp mặt nạ là những mẩu bìa các tông cũ kỹ không đảm bảo vệ sinh. Tất cả các bao bì đều để mở và được công ty gom lại, đem tới nhà máy để đóng gói.  

Vào năm 2011, một blogger người Hàn Quốc đã từng viết một bài đề cập đến vệ sinh trong nhà máy sản xuất mặt nạ tấm. Trong bài viết, tác giả chia sẻ rằng đã từng có thời gian làm việc bán thời gian tại một nhà máy sản xuất mặt nạ Sulwhasoo. Bài viết được đính kèm những hình ảnh cho thấy rõ điều kiện sản xuất mất vệ sinh.

Vào năm 2014, vấn đề này lại nổi lên khi kênh truyền hình MBC cũng đã tham gia vào điều tra ngành công nghiệp nạ tấm và phát hiện ra điều tương tự, thậm chí công nhân còn ngang nhiên hút thuốc lá ngay tại địa điểm sản xuất.

Một vấn đề khác của ngành công nghiệp sản xuất mặt nạ tấm mất vệ sinh đó là mức lương của người lao động trong ngành này được trả rất thấp. Tờ Weekly DongA báo cáo rằng các công nhân này chỉ được trả 3 đồng won Hàn Quốc tương đương với khoảng 1/4 của một đồng xu Mỹ cho mỗi một chiếc mặt nạ. Theo điều tra của trang này, “gấp mặt nạ tấm ngoài giờ” hiện nay là từ khóa hot nhất trên các trang mạng tìm kiếm việc làm tại Hàn Quốc. Đối tượng của công việc này là sinh viên, các bà nội trợ và người lao động có việc làm toàn thời gian muốn kiếm thêm thu nhập.

Fan hâm mộ mặt nạ tấm Hàn Quốc bắt đầu ‘quay lưng’

Hiện nay, vẫn rất khó để có thể đánh giá được chính xác tác động tiêu cực của các loại mặt nạ tấm mất vệ sinh lên da của người dùng vì chưa có một trường hợp nào về các tác động này được báo cáo rõ ràng.

Tuy nhiên, trên thực tế, đã xuất hiện không ít các trường hợp phát hiện những dị vật và mùi lạ bất thường trên tấm mặt nạ. Trang tin Kukmin Ilbo từng gây rúng động một thời gian khi đưa tin về một cá nhân ở Hàn Quốc đã tìm thấy một con côn trùng trong mặt nạ tấm mà cô này sử dụng. Scandal này đã khiến nhà sản xuất phải lên tiếng xin lỗi và hứa sẽ làm xét nghiệm vi sinh vật trên tất cả các mặt nạ tấm trước khi vận chuyển.

mat-na-tam.jpg
Sợi tóc trong mặt nạ chưa sử dụng. 
mat-na-tam-1.jpg
 Những đốm đen bất thường trên mặt nạ chưa hết hạn.

Đầu năm nay, Alana, một fan hâm mộ của phương pháp làm đẹp Hàn Quốc cũng đăng một bức ảnh cho thấy một sợi tóc đen dài giữa tấm mặt nạ illi mới tinh chưa kịp dùng của cô. Hay khoảng một năm trước, Marianna, một người dùng khác cũng đăng đàn Facebook và hỏi mọi người khi thấy những đốm đen lạ thường trên tấm mặt nạ SNP của cô, mặc dù mặt nạ hoàn toàn chưa hết hạn. Vào tháng 4 năm 2015, một người dùng khác cũng đăng đàn nói rằng tấm mặt nạ Sooryehan hương lựu của cô có mùi như “bột giặt và chất nicotine” mặc dù trong danh sách thành phần không hề chứa bất kỳ thành phần nào gây ra những mùi này.

mat-na-tam-2.jpg
 Người dùng đang bắt đầu nghi ngờ và 'quay lưng' với sản phẩm mặt nạ làm đẹp truyền thống.

Những tiết lộ gấy sốc về quá trình sản xuất cũng như những phát hiện của người dùng kể trên đã dấy lên sự lo ngại và nghi ngờ rộng rãi trong cộng đồng những người yêu thích phương pháp làm đẹp phổ biến này. Beauty blogger Vanity Rex đã viết trong một thông báo trực tuyến trên trang Racked rằng: “Tôi cứ nhìn chằm chằm vào chỗ để mặt nạ tấm của tôi, trong đó bao gồm cả một số sản phẩm từ hãng Mediheal. Tôi cố gắng tìm ra cách để xử lý chúng vì tôi không muốn mạo hiểm đưa một cái gì đó ô nhiễm lên mặt của tôi”.

Và tất nhiên kéo theo đó là những tác động kinh tế không hề nhỏ lên ngành công nghiệp làm đẹp xứ Hàn nói chung và ngành công nghiệp sản xuất mặt nạ tấm nói riêng khi mà không ít người dùng đang ‘quay lưng’ lại với sản phẩm này. Blogger Vanity Rexchia sẻ rằng: “Tôi ... sẽ không mua mặt nạ tấm trong thời gian tới”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm