Ngày càng có nhiều vụ đánh hội đồng diễn ra trong và ngoài trường học. Ảnh minh họa internet. |
Áp lực: Trẻ chịu rất nhiều áp lực trong việc học tập, đó là việc bắt buộc phải có kết quả tốt cho dù muốn hay không. Chúng không được định hướng nghề nghiệp, không biết học môn gì, sau này làm nghề gì. Mọi thứ vô cùng mơ hồ khiến chúng không muốn nghĩ đến việc học chứ đừng nói là chọn nghề.
Thời gian biểu: Trong thời gian biểu của trẻ, không có chút thời gian nào cho việc vui chơi, chỉ có học và học... Năng lượng thì được cung cấp đầy đủ, thậm chí thừa mứa, bọn trẻ không biết xả đi đâu.
Niềm vui: Trẻ không có nhiều niềm vui, thực sự rất ít và tẻ nhạt. Giải trí của chúng quanh quẩn chỉ có đi ăn, thi thoảng đi xem phim hoặc hội chợ. Không có câu lạc bộ, không tham gia thể thao, không có bất kì hoạt động nào khác ngoài trường học để tham gia và vui chơi nên niềm vui của chúng chỉ tồn tại trên mạng.
Ước mơ: Chẳng ai hỏi đến ước mơ của trẻ mà nếu có cũng không thực hiện được vì không có thời gian. Cuộc sống không ước mơ khiến chúng muốn “phát điên”.
Những tấm gương: Cha mẹ và những người xung quanh giờ cũng “manh động”, hơi chút là có thể chửi nhau với đủ thứ ngôn từ kinh khủng nhất. Sau chửi nhau là choảng nhau, đánh ghen, xé quần áo, rạch mặt,...
Những clip đánh nhau được chia sẻ nhiều trên mạng khiến giới trẻ càng bị kích động, càng thích "choảng" nhau. Ảnh minh họa internet. |
Mạng xã hội: Niềm vui, nỗi buồn, sự lo lắng,... cả thế giới tập trung ở mạng xã hội. Vài cái like cũng khiến chúng lo âu, vài lời comment không hay có thể khiến chúng nổi khùng. Mạng xã hội còn là thứ vũ khí lợi hại để bọn trẻ hại những người chúng ghét (mà người lớn cũng làm vậy). Chúng chụp ảnh kẻ mình ghét đang hớ hênh, chế ảnh rồi tung lên cho bạn bè cười cho chúng nó nhục.
Nhiều mẹ còn nghĩ con cần vào phải mạng mới học được và cho con vào vô tội vạ để chúng có cơ hội khám phá web đen, dựng chuyện ám hại nhau, kéo nhau sống ảo, chửi bới nhau thô tục... để rồi lôi nhau ra cổng trường hoặc ngoài đường “choảng nhau”.
Bao nhiêu vụ bạo lực học đường dã man đã được tung lên mạng. Những clip ấy càng được share nhiều thì bọn trẻ càng bị kích động, càng thích choảng nhau, thích tung lên facebook những clip dằn mặt.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhấn mạnh, sau những vụ bạo lực học đường bị tung lên mạng xã hội, sẽ có nhiều đứa trẻ bị tổn thương và sẽ còn nhiều học sinh phải chết tức tưởi nếu người lớn không làm cách nào thay đổi cuộc sống bọn trẻ.