Bữa ăn của lao động Việt tại trại tị nạn Saudi Arabia (ảnh nhân vật cung cấp) |
Trả lời câu hỏi của PV Báo Phụ nữ Việt Nam ngày 17/8 về tình trạng người lao động Việt Nam phải lánh tại trại tị nạn Saudi Arabia kéo dài tới hơn 1 năm, kêu cứu nhiều lần, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp phủ nhận về phản ứng chậm với lời kêu cứu của người lao động. Ông Diệp cho rằng cán bộ Ban Quản lý lao động VN tại Saudi Arabia vẫn thường xuyên hỗ trợ những lao động đến Đại sứ quán, trung tâm bảo trợ xã hội để xin tạm trú.
Ông Diệp cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam chưa thật tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan, chưa xử lý kịp thời các trường hợp rủi ro của người lao động. Trong thời gian tới “chắc chắn phải rà soát lại hoạt động của các doanh nghiệp và số người lao động đi Saudi Arabia”, ông Diệp nói.
Với các trường hợp cụ thể lao động nữ Việt gặp rủi ro ở Saudi Arabia, ông Diệp cho biết: Lao động rủi ro, cần sự hỗ trợ đều có thể liên lạc với Cục Quản lý lao động ngoài nước và “tôi sẽ chỉ đạo Cục làm việc với từng doanh nghiệp để chỉ đạo giải quyết từng trường hợp người lao động gặp rủi ro”. Để xử lý từng trường hợp cụ thể, theo ông Diệp, cần có sự phối hợp của Cơ quan quản lý Nhà nước, gia đình người lao động, các doanh nghiệp đưa người đi, và cơ quan đại diện VN ở nước ngoài để giải quyết từng trường hợp cụ thể.
Chị Nguyễn Thị Hiền (trái) ngày còn trong trại tị nạn ở Saudi Arabia và ảnh 2 con nhỏ ở quê nhà |
Phản ánh với PV Báo Phụ nữ Việt Nam, chị Phạm Lan, quê Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, đang ở trại tị nạn tại Saudi Arabia, cho biết trong trại này vẫn còn hơn 30 phụ nữ Việt Nam lưu trú. Tất cả tập trung trong một khu nhà, nên chị em có thể bao bọc, giúp đỡ nhau lúc trái gió. Đến bữa ăn, những chị em trẻ, nhanh nhẹn lấy phần cơm giúp những người già yếu.
Mặc dù ở trại tị nạn, nhưng theo chị Lan, “vẫn tốt hơn nhiều so với nhà chủ đối xử với người giúp việc”. Phần lớn chị em làm giúp việc gia đình, bị chủ nhà bắt làm việc quần quật hơn 12 giờ/ngày. Thậm chí có người bị đánh đập, bỏ đói, quỵt lương. Không thể chịu đựng được cuộc sống cơ cực, lao động phải tìm nơi cứu giúp và nương náu tại trại tị nạn.
Chị Phạm Lan cho biết thêm, bản thân đã lánh nạn tại trại này gần 7 tháng qua, mỏi mòn ngóng ngày được về nước.
Còn chị Nguyễn Thị Hiền, ở thôn Vinh Tứ, xã An Lão, huyện Bình Lục (Hà Nam) đã nhiều lần viết đơn cầu cứu gửi về nước. Làm giúp việc gia đình từ cuối năm 2014, không may phải lao động trong gia đình chủ không tốt. “Chủ bắt tôi làm việc suốt ngày, không có thời gian để nghỉ ngơi. Ăn uống không đảm bảo, nhiều hôm tôi phải ăn cơm thiu, cơm thừa. Các con của chủ làm hỏng đồ gì, chủ cũng chửi mắng và đánh tôi, không có một lời giải thích. Thậm chí, tiền lương không trả và bỏ đói tôi”, chị Hiền chia sẻ.
Đến khi sức tàn lực kiệt, chị phải tạm lánh ở trại tị nạn Saudi Arabia đã 13 tháng. Thông tin từ lao động Việt tại trại tị nạn này cho biết, chị Nguyễn Thị Hiền đã được Đại sứ quán giúp đỡ đưa về nước ngày 16/8 vừa qua.
Hiện có khoảng 20 ngàn lao động Việt làm việc ở Saudi Arabia. Ông Doãn Mậu Diệp cho rằng không phải ai cũng bị rủi ro và thấy “rất tiếc vì những lao động gặp rủi ro mà các doanh nghiệp chưa vào cuộc tích cực”. Đồng thời ông Diệp khẳng định doanh nghiệp phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan đại diện VN ở nước ngoài để xử lý khi người lao động gặp rủi ro. Thái độ hợp tác của doanh nghiệp VN với Đại sứ quán, Cục quản lý mỗi khi xảy ra rủi ro với người lao động là chưa tốt, sắp tới phải chấn chỉnh lại. “Tôi đã yêu cầu Cục quản lý lao động ngoài nước họp với tất cả doanh nghiệp để đánh giá lại việc đưa lao động sang Saudi Arabia”, ông Diệp khẳng định.