Với 427/448 đại biểu tán thành (chiếm tỷ lệ 88,41%), Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2020.
Nội dung sửa đổi đáng chú ý là đề nghị xử lý hình sự đối với các hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cần sớm xem xét sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện pháp luật, tạo cơ sở pháp lý xử lý hình sự đối với các hành vi như trên.
Cũng theo luật được thông qua, vũ khí có tính năng, hiệu quả tương tự vũ khí quân dụng cũng được xem là vũ khí quân dụng.
Cụ thể luật quy định: "Vũ khí quân dụng bao gồm vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ…
Vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quân dụng, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác để thi hành công vụ".
Giải trình trước Quốc hội về tính cần thiết phải ban hành luật, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an - cho biết, đang có khoảng trống pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, vì vậy không thể truy tố, điều tra, xét xử đối với hành vi trên.
"Nếu các hành vi vi phạm này không bị khởi tố, điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ làm gia tăng tội phạm sử dụng vũ khí có tính năng, hiệu quả tương tự vũ khí quân dụng, ảnh hưởng xấu tới trật tự an toàn xã hội, không đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật" - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Trước một số ý kiến còn khác nhau về việc có hay không nên bổ sung quy định vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng là vũ khí quân dụng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến trực tiếp của từng đại biểu.
Kết quả: có 347 ý kiến đại biểu (bằng 71,84% tổng số đại biểu Quốc hội) đồng ý sửa đổi, bổ sung theo đề nghị của Chính phủ; 42 ý kiến đại biểu (bằng 8,7%) không đồng ý; 5 đại biểu (bằng 1,04%) không chọn phương án; 23 đại biểu (bằng 4,76%) có ý kiến khác.
Căn cứ kết quả xin ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ đề nghị Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.