Sếp mang bức tranh tự vẽ yêu cầu nhân viên nhận xét, ẩn trong đó bài học thâm sâu

Minh Bùi
06/06/2020 - 13:15
Sếp mang bức tranh tự vẽ yêu cầu nhân viên nhận xét, ẩn trong đó bài học thâm sâu
Tất cả nhân viên ai nấy đều bất ngờ vì bài học thâm thuý và "trúng tim đen" này của người sếp.

Có nhiều người lãnh đạo không dạy dỗ nhân viên theo cách trực tiếp, tức là họ chọn kể một câu chuyện, một tình huống thực tế để tất cả rút ra bài học. Chính những hoàn cảnh, câu chuyện như vậy mới thực sự là điều thấm thía đi vào lòng cấp dưới, giúp họ thức tỉnh khỏi lối sống sai lầm hiện tại.

Và câu chuyện dưới đây là một trường hợp như thế!

01

Sếp Hoàng Hải ở công ty truyền thông X nổi tiếng là một người tài giỏi, mẫu mực không chỉ về mặt chuyên môn mà còn cả khả năng lãnh đạo. Anh hay truyền đạt lại cho nhân viên những kiến thức nghề nghiệp, trải nghiệm sống quý báu giúp họ trưởng thành hơn trong cuộc sống. Đợt này công ty X đang gặp một chút bất ổn về nhân sự, chính anh Hải cảm thấy nhân viên không đồng lòng cùng nhau phát triển, xây dựng tập thể vững mạnh.

Sếp mang bức tranh tự vẽ đặt giữa công ty yêu cầu nhân viên nhận xét, hành động tưởng vô hại nhưng ẩn chứa bài học thâm sâu về đánh giá người khác - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Một hôm, Hoàng Hải nhờ trợ lý của mình mang bức tranh anh vẽ ra đặt giữa công ty. Anh Hải nói với tất cả mọi người: "Đây là bức tranh của bạn trợ lý. Mọi người xem qua và dùng bút khoanh tròn vào những chỗ bạn thấy chưa ổn về bố cục nhé. Mình là dân truyền thông dẫu ở vị trí nào cũng nên có chút tư duy hình ảnh. Tôi hi vọng sẽ nhận được nhiều điểm phát hiện thú vị từ mọi người".

Sau một ngày, anh Hải quay trở lại, bức tranh anh vẽ đã chi chít những bút đỏ khoanh tròn.

02

Vài hôm sau, anh Hải lại dùng chiêu cũ. Bức tranh khác anh vẽ lại được để ra giữa công ty dưới danh nghĩa cậu trợ lý. Lần này anh Hải thông báo:

"Cảm ơn mọi người hôm trước đã chỉ ra những điểm chưa được. Nay bạn trợ lý lại vẽ thêm bức tranh nữa. Nhưng lần này mọi người hãy giúp bạn ấy sửa luôn lên bức tranh chứ không phải chỉ tìm ra lỗi sai nhé. Coi như một lần luyện tập khả năng vẽ xem sao!"

Thật bất ngờ, ngày hôm sau lúc Hoàng Hải quay lại kiểm tra, bức tranh vẫn y như ban đầu, không có một nét sửa lại nào cả.

Sếp mang bức tranh tự vẽ đặt giữa công ty yêu cầu nhân viên nhận xét, hành động tưởng vô hại nhưng ẩn chứa bài học thâm sâu về đánh giá người khác - Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Nói đoạn, Hoàng Hải yêu cầu tất cả nhân viên vào phòng họp, dõng dạc chỉ trích: "Thực ra bức tranh là do tôi vẽ. Hôm trước bảo mọi người nhận xét thì tích cực lắm, tại sao đến nay bảo sửa lại thì không ai làm?"

Nhân viên nhìn nhau ái ngại, dường như họ bắt đầu nhận ra vấn đề mà sếp mình muốn nói.

Hãy nhận xét, đánh giá sản phẩm của người khác một cách có trách nhiệm!

2 bức tranh trong câu chuyện trên cũng chính là các sản phẩm làm việc của chúng ta vậy. Nếu để mọi người chỉ ra lỗi sai thì họ luôn tìm được điểm khiếm khuyết. Tuy nhiên nếu bảo người khác sửa lại cho tốt hơn thì chẳng mấy ai làm được.

Chốn công sở, sẽ luôn có nhiều người từ sếp, đồng nghiệp hay cấp dưới sẵn sàng cho chúng ta feedback một cách vô tư mà chẳng hề có trách nhiệm với lời nói của họ. Đôi khi, những nhận xét quá tiêu cực, mang tính công kích cá nhân, dìm hàng, chê bai... lại khiến chúng ta tin răm rắp và cảm thấy xấu hổ với thành quả cá nhân. Thực tế, họ chỉ chê cho sướng cái miệng, thỏa cái lòng được phán xét người khác mà thôi!

Sếp mang bức tranh tự vẽ đặt giữa công ty yêu cầu nhân viên nhận xét, hành động tưởng vô hại nhưng ẩn chứa bài học thâm sâu về đánh giá người khác - Ảnh 3.

Ai cũng nhận xét được, nhưng chẳng mấy ai giúp chúng ta tốt lên. Ấy là khi chị em cần ghi nhớ đừng dễ dàng để lời nói của người khác tác động đến lý trí cá nhân. Sản phẩm mà bạn vất vả, cố gắng để làm ra, không nên bị nhận chỉ trích dữ dội từ nhiều phía. Hãy hiểu chính bản thân mình, từ đó bạn sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán xét của đồng nghiệp.

Mặt khác, nếu tìm một người cố vấn cho lời khuyên, hãy chọn cho chuẩn. Chúng ta không thể cho người khác cái mà chúng ta không có. Ví dụ như nếu bạn muốn được nhận xét về hình ảnh chuyên nghiệp, bạn không thể nhờ một chị kế toán hay một bác HR. Hoặc nhận xét về nội dung, chẳng thể nhờ anh bạn làm designer đúng không nào? Đúng người, đúng chỗ để nhận tư vấn sẽ giúp chúng ta tốt lên thay vì luôn chìm trong những lời chỉ trích.

Từ ngày mai, hãy nhận xét một cách có trách nhiệm, để những lời feedback của bạn có giá trị với người khác nhé!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm