pnvnonline@phunuvietnam.vn
Siêu âm gan là gì? Cần lưu ý gì khi đi siêu âm gan?
1. Siêu âm gan là gì?
Siêu âm gan là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh có thể phân định được các thùy, phân thùy và hạ phân thùy của gan. Dựa trên mối liên quan với động mạch chủ và tĩnh mạch chủ dưới, tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch trên gan, phương pháp siêu âm có thể phát hiện nhiều loại thương tổn gan.
Kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh qua siêu âm gan được sử dụng nhằm đánh giá các tổn thương, bệnh lý thuộc hệ gan từ đó đánh giá được tình trạng của người bệnh đang như thế nào. Siêu âm có thể được tiến hành riêng biệt hoặc chung trong kĩ thuật siêu âm bụng tổng quát.
Ngoài ra, siêu âm còn phát hiện ra các bệnh áp xe gan, sán lá gan, nang gan, u gan... thông qua các hình ảnh siêu âm có thể đánh giá được mức độ nặng nhẹ của bệnh tình, từ đó có được phương pháp điều trị phù hợp.
Đối với xơ gan, chẩn đoán siêu âm dựa vào kích thước gan và nhu mô gan. Kích thước gan lúc đầu sẽ tăng lên và sau này ở giai đoạn muộn gan sẽ teo nhỏ lại. Ở giai đoạn muộn của xơ gan, siêu âm còn có thể thấy gan có hình nốt nhỏ và vừa đường kính dưới 1cm. Hơn thế nữa, siêu âm còn có thể phát hiện các hậu quả của xơ gan như cổ trướng, giãn tĩnh mạch, lách to.
2. Những lưu ý khi đi siêu âm gan
2.1. Nên làm gì trước khi siêu âm gan?
Trước khi tiến hành siêu âm gan 1 tuần, người bệnh nên hạn chế ăn các loại đồ ăn khó tiêu, nhiều dầu mỡ. Thay vào đó, bệnh nhân nên ăn các thức ăn dễ tiêu hóa, thanh đạm để không tạo áp lực cho gan. Thời gian siêu âm tốt nhất là vào buổi sáng, người bệnh để bụng trống rỗng để siêu âm cho kết quả chính xác nhất.
Trước khi thực hiện kỹ thuật siêu âm, bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên uống nhiều nước và nhịn đi tiểu để đạt được kết quả siêu âm tốt nhất. Việc uống nhiều nước sẽ làm cho bụng căng lên, từ đó việc siêu âm sẽ dễ dàng hơn. Kết quả là hình ảnh siêu âm chính xác và rõ ràng hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý nên uống nước lọc thay vì uống đồ uống có ga hoặc nước ngọt.
Nếu bệnh nhân mắc các bệnh về gan, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa, bệnh viện lớn hoặc phòng khám chuyên khoa gan có uy tín để làm các phương pháp xét nghiệm cần thiết và để việc chẩn đoán được chính xác nhất. Dựa trên những kết quả đó, các bác sĩ chuyên khoa sẽ cung cấp phác đồ điều trị thích hợp cho bệnh nhân. Việc chẩn đoán và đánh giá chính xác tình trạng bệnh sẽ giúp bệnh nhân có nhiều cơ hội chữa bệnh hơn.
2.2. Không nên làm gì trước khi siêu âm gan?
Khi siêu âm gan hay các bộ phận ở ổ bụng như túi mật, tụy hoặc lách, bệnh nhân có thể được yêu cầu không ăn chất béo vào buổi tối trước khi làm xét nghiệm cho đến tận khi tiến hành thủ thuật.
Mặt khác, người bệnh không được ăn cơm, ít nhất là 4h trước khi siêu âm. Nếu bệnh nhân ăn trước khi thực hiện siêu âm sẽ làm cho vùng gan tạng có sự thay đổi, từ đó dẫn đến các chỉ số siêu âm thay đổi. Ngoài ra, nếu ăn quá nhiều còn làm cho đầu đọc không thể đọc được các hình ảnh siêu âm trong ổ bụng, do đó không thể có kết quả chẩn đoán bệnh chính xác.
Ngoài ra, theo bác sĩ, sau khi ăn, túi mật sẽ co nhỏ gây khó khăn để chẩn đoán hình ảnh. Tuy rằng viêc đánh giá túi mật khá hạn chế do chúng ít ảnh hưởng đến gan. Tuy nhiên vẫn khuyến cáo siêu âm lúc đói để đánh giá luôn túi mật.
Hiện nay, siêu âm được sử dụng rộng rãi trong việc kiểm tra và điều trị bệnh gan với độ chính xác và độ tin cậy cao. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên phương pháp siêu âm, không thể đánh giá đầy đủ tình trạng của bệnh nhân nên vẫn cần kết hợp với các phương pháp kiểm tra xét nghiệm khác.
Chính vì vậy, khi cơ thể người bệnh có những biểu hiện bất thường, nên đến các bệnh viện có uy tín để được sàng lọc và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm chẩn đoán, để có phương pháp điều trị thích hợp với tình trạng của mình.