pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sìn Hồ, Lai Châu: Phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển cây dược liệu để vươn lên thoát nghèo

Mô hình phát triển cây dược liệu đem đến việc làm và thu nhập ổn định cho chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số ở Sìn Hồ, Lai Châu
Huyện Sìn Hồ là địa bàn có khí hậu nhiệt đới mát mẻ quanh năm, độ cao 1.500m so với mặt nước biển, rất thuận lợi để phát triển vùng dược liệu của tỉnh Lai Châu. Huyện được đánh giá là một trong 8 vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia.
Từ vài năm trở lại đây, người dân tộc thiểu số ở Sìn Hồ đã chuyển sang canh tác các loại cây dược liệu như sâm Lai Châu, lan kim tuyến, hà thủ ô đỏ, đẳng sâm, đan sâm. Đây là những loại dược liệu quý và có giá trị kinh tế trên thị trường.
Để tạo thuận lợi cho người dân canh tác phát triển tốt lĩnh vực dược liệu, những năm qua, chính quyền địa phương cũng tận dụng tốt các nguồn vốn từ Chương trình 30a, 135 của Chính phủ, nguồn vốn xây dựng nông thôn mới và đề án "Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030" huyện Sìn Hồ đã tập trung hỗ trợ khôi phục một số vùng dược liệu.

Khu trồng sâm Lai Châu công nghệ cao
Đồng thời lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các cây dược liệu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương như: Đương quy, atisô, đỗ trọng, sâm cát cánh, thất diệp lục nhất chi hoa. Các sản phẩm dược liệu này đã khẳng định hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa, ngô hay các cây hoa màu khác và được tiêu thụ nhiều trên thị trường trong, ngoài tỉnh, giúp nhân dân có thu. Cho đến nay, trên toàn huyện Sìn Hồ hiện có hơn 600ha dược liệu các loại. Từ năm 2020 đến nay, huyện trồng mới hơn 120ha các loại cây dược liệu, trên địa bàn huyện cũng hình thành vùng trồng dược liệu tại các xã: Sà Dề Phìn Làng Mô, Tả Phìn, Phăng Sô Lin, Tả Ngảo và rải rác tại một số địa phương có tiểu vùng khí hậu phù hợp.
Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh bảo tồn một số cây dược liệu quý và xác định những loài cây chủ lực, định hướng quy mô, các khu vực phát triển để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đồng hành cùng người dân trồng và tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, địa phương đã xác định dược liệu là một trong những cây trồng chủ lực để đầu tư phát triển thành sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc sản của địa phương. Mục tiêu đến năm 2030, toàn huyện có khoảng 1.000ha cây dược liệu các loại.

Phụ nữ người dân tộc Dảo ở Sìn Hồ chuyển đổi canh tác sang cây dược liệu có hiệu quả kinh tế cao
Chị Chẻo Thị Hoa, người dân tộc Dao ở xã Sà Dề Phìn, cho biết: Trước kia các gia đình chủ yếu canh tác cây lương thực để dùng trong gia đình, nên năng suất và hiệu quả không cao. Hiện nay, nhà nào cũng chuyển sang trồng cây dược liệu, vừa có việc làm đều quanh năm, mà nguồn thu nhập cũng ổn định hơn, nên chị em phụ nữ ở địa phương đều phấn khởi với hướng phát triển cây dược liệu”.
Hiện nay, một số chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số ở các xã trong vùng trồng dược liệu còn hợp tác với các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh dược liệu để làm công việc sơ chế dược liệu rồi đóng gói gửi về cho doanh nghiệp, cũng tạo thêm việc làm và thu nhập đều đặn cho chị em.
Ngoài tra, một số cá nhân còn đứng ra thành lập mô hình Hợp tác xã để kết nối các gia đình người dân, các chị em phụ nữ ở địa phương tham gia vào sản xuất chế biến dược liệu tại địa phương, điển hình là Hợp tác xã Nông sản Dược liệu Cao nguyên Sìn Hồ (bản Mao Sao Phìn, xã Sà Dề Phìn) hiện đã có 7 sản phẩm dược liệu đạt chứng nhận OCOP, được chế biến từ vỏ đỗ trọng và hoa, lá, củ cây Atiso trồng tại Sìn Hồ, phân phối toàn quốc. Bên cạnh diện tích Atiso do HTX tự trồng, HTX còn liên kết với gần 70 hộ dân tại địa phương trồng 10ha cây Atiso theo hướng hữu cơ, không có chất bảo vệ thực vật. HTX tổ chức thu mua, bao đầu ra cho cây dược liệu của bà con.
Mục tiêu của huyện Sìn Hồ thời gian tới là tiếp tục phát triển diện tích các loại cây dược liệu hiện có; trồng cải tạo, bổ sung, thay thế diện tích cây dược liệu đã khai thác; tích cực thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân để bảo tồn, phát triển một số loại dược liệu quý, từ đó tạo ra việc làm và nâng cao thu nhập tại chỗ cho người dân địa phương nói chung và chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nói riêng.