Singapore: Người dân có thể tiêm vaccine ngừa Covid-19 mà không cần đăng ký trước

N.A
12/08/2021 - 18:15
Singapore: Người dân có thể tiêm vaccine ngừa Covid-19 mà không cần đăng ký trước

70% dân số Singapore đã hoàn thành tiêm chủng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Ảnh: Chong Jun Liang

Mới đây, Bộ Y tế Singapore (MOH) đã ra thông báo, tất cả công dân Singapore có thể đến bất kỳ nơi nào trong số 37 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc để tiêm phòng mà không cần đăng ký trước.

Theo MOH, công dân từ 12 tuổi trở lên chưa thực hiện mũi tiêm vaccine đầu tiên có thể đến bất kỳ nơi nào trong số 26 trung tâm tiêm chủng vaccine Pfizer-BioNTech mà không cần đăng ký trước. Kể từ giữa tháng 7, công dân từ 60 tuổi trở lên đã được phép tiêm chủng tại các trung tâm tiêm chủng, phòng khám đa khoa hoặc Trung tâm Y tế Dự phòng Cộng đồng bất kỳ ở Singapore. Động thái này nhằm đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng ở nhóm người cao tuổi vốn có nguy cơ cao bệnh trở nặng nếu bị lây nhiễm.

Trước đó, từ ngày 2/8, người trên 18 tuổi có thể đến bất kỳ nơi nào trong số 11 trung tâm tiêm chủng cộng đồng sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của hãng Moderna mà không cần đăng ký trước. Hiện đã có 70% dân số Singapore hoàn thành phác đồ tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng quốc gia và 79% dân số đã tiêm ít nhất 1 liều.

Đại diện của MOH cho biết: "Vaccine vẫn là "vũ khí" quan trọng của Singapore trong cuộc chiến phòng chống Covid-19. Chúng tôi khuyến cáo người dân đủ điều kiện tiêm chủng hãy nhanh chóng đi tiêm phòng".

Trả lời câu hỏi được đặt ra tại buổi hội nghị trực tuyến diễn ra vào ngày 3/8 về thời gian triển khai tiêm chủng rộng rãi hơn cho người nước ngoài, ông Dinesh Vasu Dash - Giám đốc nhóm hoạt động và chiến lược khủng hoảng của MOH - cho biết, bước tiếp theo của chương trình tiêm chủng quốc gia sẽ triển khai cho những người có thẻ cư trú ngắn hạn, đặc biệt là những người cao tuổi đến Singapore để thăm người thân và không thể trở về quê nhà do các hạn chế về việc đi lại.

Ông Dinesh bổ sung: "Xét theo khía cạnh sức khỏe cộng đồng, tôi cho rằng việc tiêm chủng cho những đối tượng này tại một thời điểm phù hợp là hành động đúng đắn. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu để tìm ra cách thức tốt nhất để triển khai chương trình tiêm chủng cho nhóm đối tượng này".

Theo ông Dinesh, khi Singapore đạt tỷ lệ tiêm chủng vào khoảng 70 - 80%, chương trình sẽ có thể được mở rộng đến các đối tượng khác, khi không bị hạn chế về nguồn cung và năng lực tiêm chủng vaccine. Ông Dinesh còn cho biết, một điều ấn tượng là Singapore không dùng các lợi ích đi kèm làm động lực tham gia tiêm chủng cho người dân, mặc dù trước đó chính quyền đã gần như đồng thuận với hướng đi này. Ông Dinesh nhấn mạnh, Singapore chủ yếu sử dụng biện pháp thuyết phục, động viên tinh thần để người dân tham gia tiêm chủng, hơn là các cách thức khác.

"Hy vọng rằng khi các loại vaccine không phải theo công nghệ mRNA được đưa vào sử dụng, chương trình tiêm chủng sẽ tiếp cận đến nhiều đối tượng khác hơn nữa, đặc biệt là các đối tượng vẫn đang chờ đợi và cân nhắc các lựa chọn", ông Dinesh chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm