Sinh con tại nhà: Chuyện thương tâm đến từ sự xấu hổ

Thục Nhi
09/05/2025 - 07:20
Sinh con tại nhà: Chuyện thương tâm đến từ sự xấu hổ

Người dân tại Trạm y tế xã Mù Sang, huyện Phong Thổ

Sinh con lần thứ 5 trong một đêm lạnh ở xã Mồ Sì San (Phong Thổ, Lai Châu), chị Phùng Tả Mẩy vừa kịp đón đứa bé hồng hào, khỏe mạnh chào đời thì chỉ hai giờ sau, người mẹ gục xuống bên tấm đệm rơm. Cái chết lặng lẽ đến với người sản phụ Mông chỉ vì nỗi xấu hổ không dám đến trạm xá khi sinh con.

Rào cản từ sự xấu hổ

Gia đình anh Giàng A Lừng (22 tuổi) và chị Lý Thị Số (21 tuổi) sinh sống tại xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, Lai Châu. Hai năm trước, đứa con đầu lòng được chị Số tự sinh ở nhà. "Thời trước bố mẹ và ông bà vẫn tự đẻ ở nhà nên tới lượt vợ chồng tôi cũng chọn sinh ở nhà giống các cụ", anh Lừng chia sẻ.

Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn "vượt cạn" thành công như chị Lý Thị Số. Ở xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nhiều người vẫn không quên được cái chết thương tâm của chị Phùng Tả Mẩy khi sinh con tại nhà.

Giống như 4 lần sinh con trước, lần sinh thứ 5 này, chị Mẩy đẻ tại nhà, tự đẻ, tự tắm cho con. Chị Mẩy chuyển dạ trong đêm và sinh được một bé trai khoẻ mạnh, hồng hào. Thế nhưng, khác với những lần sinh trước đó, nhau thai của chị không bong và chảy máu nhiều. "Khoảng 2 tiếng sau khi chuyển dạ, chân tay vợ tôi run, tím tái và tử vong ngay trong đêm" - chồng chị Mẩy không thể quên được giây phút ấy. Chị Mẩy ra đi, để lại 5 con thơ nhỏ dại cho chồng, đứa trẻ vừa chào đời chưa một lần được bú mẹ.

18 năm gắn bó với người dân vùng cao, bà Lò Thị Thanh, y sĩ công tác tại Trạm y tế xã Mù Sang, chia sẻ: "Do phong tục tự đẻ ở nhà đã ăn sâu từ đời này qua đời khác nên người dân địa phương không đi khám thai và ít khi đi đẻ tại các cơ sở y tế. Ngoài những nguyên nhân về điều kiện địa lý còn có những rào cản về mặt tâm lý của người đồng bào dân tộc thiểu số. Có nhiều phụ nữ rất xấu hổ".

Bà Lò Thị Thanh, y sĩ công tác tại Trạm y tế xã Mù Sang đang thăm khám cho sản phụ

Bà Lò Thị Thanh, y sĩ công tác tại Trạm y tế xã Mù Sang, đang thăm khám cho sản phụ

Bà Thanh cho biết, người đồng bào dân tộc Mông rất ngại khi đi khám phụ khoa và sinh con tại trạm y tế vì "… y sĩ ở trạm nhìn thấy, rồi ngày nào chúng tôi cũng gặp y sĩ, như vậy sẽ xấu hổ lắm". Theo bà Thanh, tập tục của người Mông chỉ có người thân, chồng, mẹ mới được nhìn vào "bộ phận sinh đẻ" của mình.

Ông Nguyễn Thế Phong, phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu chia sẻ, đội ngũ y tế của trạm cùng với cán bộ xã thường xuyên xuống bản phối hợp trưởng bản, già làng, dòng họ để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con việc sinh đẻ tại nhà rất nguy hiểm và lợi ích khi sinh tại cơ sở y tế đảm bảo sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, nhưng để thay đổi nhận thức của bà con không phải "một sớm một chiều". "Bất đồng ngôn ngữ, nhiều chị em không biết tiếng phổ thông, bà con thường đi làm trên các lán nương nên cán bộ y tế khó gặp, gây nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền", ông Phong cho hay.

Cần nhiều chính sách để giảm tỉ lệ tử vong ở mẹ

Những năm qua, mặc dù tỉ lệ sinh con tại cơ sở y tế đã tăng lên đáng kể, tuy nhiên cả nước vẫn còn khoảng hơn 10% phụ nữ dân tộc thiểu số không sinh con tại cơ sở y tế. Đáng buồn là tỉ suất trẻ em dân tộc thiểu số dưới 1 tuổi tử vong lên đến 2,2%.

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), tỷ lệ tử vong mẹ ở khu vực miền núi và dân tộc thiểu số cao gấp 2-3 lần mức trung bình quốc gia, dao động 100-150 ca tử vong trên 100.000 ca sinh sống.

Ước tính, nguy cơ tử vong khi mang thai hoặc sinh con ở các bà mẹ Mông cao gấp 4 lần so với bà mẹ dân tộc Kinh. Nguyên nhân chính gây tử vong bà mẹ ở vùng dân tộc thiểu số là do sinh con tại nhà.

Bà Trần Thị Bích Loan (phó cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế) cho rằng, việc thay đổi nhận thức bà con sẽ mất thời gian do phong tục lâu đời. Ngoài ra, chúng ta còn hạn chế về cơ sở vật chất và đội ngũ y tế để có thể đảm bảo cung cấp các dịch vụ cho bà con dân tộc thiểu số.

Bà Trần Thị Bích Loan cho biết, tới đây, Bộ Y tế sẽ tập trung vào việc nghiên cứu, hoàn thiện về thể chế, chính sách chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, trong đó có việc dự phòng chăm sóc trong quá trình trước, trong và sau mang thai. Bên cạnh đó, tập trung vào việc đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn cụ thể từ tuyến trên cho các y tế ở cơ sở, nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm