pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sinh viên đau đầu với "bài toán" chi tiêu cho việc học đại học
Ảnh minh họa
Gom thực phẩm từ quê để tiết giảm chi phí
"Em đã phải tiết kiệm tiền ăn uống bằng việc cứ 2 tuần lại về quê, xách đồ lên. Mỗi lần như vậy là lỉnh kỉnh túi to túi nhỏ, nào thịt lợn, thịt bò, thịt gà, cá, trứng... và các loại rau, củ quả, xếp chật tủ lạnh. Dùng rau nhà trồng, gà nhà nuôi nên cũng đỡ được phần nào tiền cho bố mẹ", Bảo Trân cho biết.
Bảo Trân
Nói về việc ở một mình một phòng trọ, Bảo Trân cho biết, cô cũng muốn ở cùng bạn để chia sẻ tiền phòng nhưng chưa tìm được người ở cùng phù hợp vì những bạn thân quen đều học ở khu vực khác. Sắp tới, em họ của Trân vừa đỗ đại học sẽ lên ở cùng.
Như vậy, cô có thể tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng tiền thuê nhà. "Những sinh viên như em học chương trình chất lượng cao với học phí từ 4 triệu đến 7 triệu đồng/tháng thì chi phí cho mỗi tháng học trên thành phố rất lớn. Bố mẹ em đều là viên chức, dành trọn một suất lương để cho con học đại học.
Suất lương còn lại được dùng cho các khoản chi khác và để nuôi em của em đang học THPT, cũng rất tốn kém. Bố mẹ không muốn em phải lo lắng hay áp lực về tiền bạc, động viên em cố gắng học tốt. Về phần mình, em cố gắng tiết kiệm nhất có thể, ngoài ra em đi làm gia sư để kiếm tiền, đỡ gánh lo tài chính cho bố mẹ", Bảo Trân chia sẻ.
Xoay xở làm thêm
Đến từ một huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, năm 2023, khi biết tin đỗ vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), bản thân Khánh Chi và bố mẹ nửa mừng nửa lo. Mừng vì sau 12 năm đèn sách, em đã chạm tay vào ước mơ đại học của mình.
Thế nhưng, việc Khánh Chi ra Hà Nội đi học cũng sẽ là gánh nặng tài chính đối với gia đình. Mẹ Khánh Chi công tác ở Trung tâm y tế huyện, bố làm công nhân. Lương của hai vợ chồng "ba cọc ba đồng" nên việc nuôi 3 người con rất vất vả. Cũng vì kinh tế gia đình chật vật nên chị cả của Khánh Chi đã phải khép lại giấc mơ đại học sau khi tốt nghiệp PTTH.
Mọi hi vọng của gia đình dồn hết vào Khánh Chi. "Con chỉ học hệ chính quy tiêu chuẩn nhưng học phí mỗi kỳ cũng gần 20 triệu đồng. Nếu học hệ chất lượng cao, học phí sẽ gấp đôi và gia đình tôi không thể kham nổi", chị Mỹ Linh, mẹ của Khánh Chi, chia sẻ.
Ngày con gái ra Hà Nội nhập học, chị Mỹ Linh nước mắt ngắn dài, phần vì thương con, phần vì lo không biết lấy gì để nuôi con. Cũng may, Khánh Chi đủ điều kiện được ở ký túc xá nên tiền ở hàng tháng mất khoảng 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, thêm khoảng 3 triệu đồng tiền ăn mỗi tháng cũng khiến vợ chồng chị Mỹ Linh phải "đau đầu". Rất may, người chú ruột của Khánh Chi đã nhận hỗ trợ cho cháu một nửa chi phí trong 4 năm cháu học tại Hà Nội.
"Mỗi tháng bố mẹ cho 2 triệu đồng, chú cho 2 triệu đồng, số tiền đó em phải chi tiêu dè xẻn mới đủ. Ngoài ra, em còn phải học thêm ngoại ngữ nên cũng tốn một khoản tiền. Ngay sau khi lên Hà Nội em đã đi tìm việc làm thêm. Từ gia sư đến bưng bê tại quán cà phê em đều làm, miễn sao có thu nhập", Khánh Chi chia sẻ.
Cũng từ quê lên Hà Nội học đại học, Nguyễn Bích Ngọc (ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) còn có hoàn cảnh khó khăn hơn.
"Trước khi có kết quả trúng tuyển vào Học viện Ngân hàng, em đã lên Hà Nội đi làm. Bố mẹ em đều làm ruộng, em là con cả, sau em còn 2 người em đang đi học. Em không làm thêm thì bố mẹ không thể nuôi em học đại học được. Em học hệ thường nhưng học phí cũng mất 15 triệu đồng/kỳ, đó là số tiền lớn với gia đình em", Ngọc tâm sự.
Cô sinh viên chuẩn bị bước vào năm thứ hai này cho biết thêm, em không đủ điều kiện để được ở ký túc xá nên phải thuê nhà trọ. Giá nhà trọ ngày một đắt đỏ nên Ngọc phải tìm nhà có diện tích nhỏ và tìm người ở cùng để chia sẻ tiền thuê nhà.
"Suốt mấy tháng hè vừa qua, em chưa về thăm gia đình vì bận làm thêm. Đi làm ở quán ăn, tiền công của em được 17 nghìn đồng/tiếng. Làm quần quật cả ngày được vài trăm nghìn nhưng em cố gắng làm để lo đủ học phí cho học kỳ tới. Biết là làm thêm nhiều sẽ ảnh hưởng đến học tập nhưng với sinh viên ngoại tỉnh có hoàn cảnh khó khăn như em thì đây là con đường duy nhất nếu muốn học đại học", Bích Ngọc chia sẻ.