Sa vào cờ bạc, game, hay một số tệ nạn khác... nhiều sinh viên đã bị cuốn vào vòng xoáy của tín dụng đen. Ảnh: Internet
Ngồi bên cạnh giường bệnh con trai, chị Hoàn lắng nghe thêm lần nữa câu chuyện của con, giọt nước mắt lăn dài trên gò má sạm đen, khắc khổ. Chị Hoàn, mẹ Quang ngậm ngùi: “Nghe mọi người báo, cháu nó vay nặng lãi không có tiền trả, bị hành hung phải vào nhập viện mà cả gia đình tôi như ngã quỵ”. Lên đến nơi, nhìn thấy cậu con trai vốn khỏe mạnh, tháo vát, giờ hốc hác, băng bó khắp người, lòng bố mẹ Quang đau như cắt.
Năm 2013, cậu học sinh vùng quê Hạ Hòa (Phú Thọ) đỗ vào trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), gia đình và dòng họ mừng khôn xiết. Song, không tránh được sức hút của cuộc sống nơi đô hội, chỉ hết học kỳ đầu năm nhất, Quang đã bị một người bạn lừa vào đường dây bán hàng đa cấp. Đôi khi Quang cũng tham gia chút đỏ đen. Hễ chơi thì rất “khát nước”, Quang thường nhẵn túi, phải vay bạn bè.
Năm 2013, cậu học sinh vùng quê Hạ Hòa (Phú Thọ) đỗ vào trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), gia đình và dòng họ mừng khôn xiết. Song, không tránh được sức hút của cuộc sống nơi đô hội, chỉ hết học kỳ đầu năm nhất, Quang đã bị một người bạn lừa vào đường dây bán hàng đa cấp. Đôi khi Quang cũng tham gia chút đỏ đen. Hễ chơi thì rất “khát nước”, Quang thường nhẵn túi, phải vay bạn bè.
Lâu dần, Quang nợ tới 20 triệu đồng - quá sức tưởng tượng đối với một cậu sinh viên quê nghèo. Không dám nói với bố mẹ, Quang điên cuồng tìm việc làm thêm. Một ngày làm việc của Quang bắt đầu từ sáng sớm cho tới 1 đến 2 giờ đêm mà tiền công thu được không bao nhiêu.
Trong lúc rối bời vì nợ nần, Quang vô tình biết đến dịch vụ cho vay lãi không cần thế chấp trên một quảng cáo dán gần chỗ làm. Như người chết đuối vớ được cọc, sau vài lời trao đổi, “nhắn nhủ”, Quang nhận được lịch hẹn đến “làm việc”. Vì cần vay số tiền lớn nên Quang mang cả thẻ sinh viên, chứng minh thư và chiếc laptop mà bố mẹ vừa mua cho... đi cầm. Đến nơi, Quang được đưa cho một tờ đơn với nội dung không liên quan đến việc vay lãi. Quang nói: “Họ ghi là họ mượn mình chiếc laptop, trị giá bằng với số tiền họ cho mình vay. Tiền lãi được thỏa thuận riêng: 10 ngày trả lãi một lần với mức 5 nghìn đồng/1 triệu/1 ngày đối với chiếc laptop và 10 nghìn đồng/1 triệu/1 ngày đối với thẻ sinh viên”.
Sau khi “lột” sạch những gì có thể cầm cố, Quang được giao số tiền 20 triệu đồng, kèm theo lời “nhắc nhở” của chủ nợ: “Thằng em “cẩn thận” nhé! Cần thì lại đến gặp anh”. Trả được nợ, Quang như bớt đi gánh nặng nhưng thực tế vòng xoáy nợ nần giờ mới chính thức “đeo bám” cậu. Quang tiếp tục lao vào công việc, khoản tiền kiếm được 3,5 triệu/tháng không thấm vào đâu so với việc phải trả mức lãi đã lên tới hơn 4 triệu đồng/tháng.
Quá hạn 1 ngày, Quang bị chủ nợ gọi điện thúc ép và bị phạt thêm 50 nghìn đồng/ngày. Ngày thứ 2... rồi đến ngày thứ 5, Quang bị chủ nợ cho đàn em đến tận phòng, chờ đến lúc cậu đi làm về. Trình bày, van xin vô ích, Quang bị 2 người đàn ông lao vào đánh đấm túi bụi. Đến khi mọi người trong xóm trọ chạy ra can ngăn và dọa báo công an, Quang mới được giải thoát. Trước khi bỏ đi, 2 tên côn đồ không quên nhắc: “Không trả đủ tiền thì không giữ nổi mạng sống đâu con ạ”. Mọi người đưa Quang vào bệnh viện.
Cả nhà 5 miệng ăn và toàn bộ tiền lo ăn học cho các con chỉ biết trông vào 6 sào ruộng với lứa lợn, đàn gà, cộng thêm thù lao làm thợ xây ít ỏi của bố Quang. Giờ Quang lâm vào nợ nần, lứa lợn thịt trong chuồng phải xuất vội trước 1 tháng, gà cũng bán cả đàn. Ngay cả chỉ vàng bố mẹ định làm của hồi môn cho chị gái Quang sắp về nhà chồng cũng gom góp để trả nợ cho con. Mẹ Quang nấc nghẹn: “Nhà cửa giờ chẳng còn gì giá trị, mọi thứ lại bắt đầu từ đầu”. Như chạm đến nỗi đau tột cùng, chị Hoàn ôm lấy cậu con trai òa khóc.
Trên giảng đường đại học, không chỉ Quang, mà nhiều sinh viên khác, đa phần không làm chủ bản thân, đua đòi mà vướng vào cảnh nợ nần chồng chất. Thậm chí, không ít người còn vướng vào vòng lao lý, phí hoài tuổi xuân.