pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sinh viên TPHCM "chế" túi cây chuối chịu lực tốt
Túi xách cây chuối độc lạ và thân thiện với môi trường. Ảnh NVCC
Túi xách sinh học từ cây chuối
Sở dĩ túi cây chuối có tên gọi như vậy là do chất liệu sử dụng hoàn toàn từ thân cây chuối. Sản phẩm do nhóm sinh viên ngành Công nghệ Sinh học, khoa Công nghệ, Trường đại học Văn Lang, TPHCM nghiên cứu và sản xuất. Nhóm gồm: Em Cao Nguyễn Tuyết Ngân, Huỳnh Anh Bảo, Phạm Thị Nhật Hạ và Nguyễn Ngọc Lan Anh. Sản phẩm túi cây chuối của nhóm vừa nhận giải khuyến khích tại cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka 2020.
Trưởng nhóm Cao Nguyễn Tuyết Ngân cho biết: Xuất phát từ câu chuyện "giải cứu chuối già" vào năm 2018- 2019 ở tỉnh Đồng Nai, nhóm đã nảy sinh ý tưởng làm ra những sản phẩm thân thiện môi trường từ cây chuối, nghiên cứu để biến những thân chuối vốn dĩ bị bỏ đi thành sản phẩm có giá trị. Vậy là nhóm bắt tay vào thực hiện dưới sự hướng dẫn của TS.Vũ Thị Quyền, Trưởng ngành công nghệ sinh học, khoa công nghệ, Trường ĐH Văn Lang.
"Cô giáo đã đưa ra gợi ý là nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm hữu ích từ cây chuối ngoài mục đích chính là thu hoạch quả. Các sản phẩm tạo ra phải có chất lượng tốt và thân thiện với môi trường. Nghiên cứu những gì mang tính cấp thiết của xã hội trên cơ sở vận dụng kiến thức chuyên môn của mình. Từ đây, nhóm em đưa ra ý tưởng sử dụng thân chuối sau thu hoạch để làm bột chuối, giấy mỹ thuật, túi xách và phân bón hữu cơ. Cuối cùng, 2 sản phẩm được lựa chọn nghiên cứu trước tiên là túi xách sinh học và phân bón hữu cơ", em Cao Nguyễn Tuyết Ngân chia sẻ.
Theo các thành viên trong nhóm, để có được những sản phẩm đầu tiên, nhóm phải mất gần 4 tháng nghiên cứu thăm dò và thử nghiệm. Hiện nay, sau khi tìm ra được qui trình làm giấy chuối phù hợp để tạo túi xách, nhóm mất ít nhất 7 ngày để tạo túi xách hoàn chỉnh (Gồm các công đoạn thu hoạch nguyên liệu, xử lý nguyên liệu, làm giấy, làm túi). Điểm nổi bật của túi cây chuối là: Dai hơn so với túi xách sinh học ngoài thị trường; có khả năng chống thấm tốt; tái sử dụng được nhiều lần và phân hủy hoàn toàn trong tự nhiên.
Tuyết Ngân phân tích: "Sở dĩ túi cây chuối có những tính năng nổi bật này là vì trong thân cây chuối có xenlulose cao, hàm lượng nhiều nên khi làm ra sản phẩm túi giấy nó sẽ có độ dai hơn rất nhiều. Còn về việc chống thấm thì nhóm nghiên cứu tận dụng vỏ tôm để làm nên chất chitosan, sau đó quét chất này lên túi để tăng khả năng chống thấm cho túi".
Khách hàng trải nghiệm sản phẩm của nhóm hiện nay là thầy, cô giáo, học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng. Riêng Trường ĐH Văn Lang thì đặt của nhóm 10.000 túi. Nhóm sản xuất túi với 3 kích thước khác nhau: Túi xách loại nhỏ (10,5 x 14,5 cm) có giá 9.000đ/túi, chịu lực 0,8kg; túi loại trung bình (15 x 18 cm) có giá 15.000đ/túi, chịu lực 3kg; túi xách loại lớn (20 x 30 cm) có giá 21.000đ/túi, chịu lực 4kg.
"Sản phẩm được nhận giải khuyến khích tại cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka 2020, nhóm chúng em rất vui và có một chút bất ngờ. Đây là kết quả của một quá trình nỗ lực và phấn đấu của nhóm. Để đạt được kết quả này, nhóm chúng em đã nhận được sự truyền dạy và hướng dẫn tỉ mỉ từ cô Vũ Thị Quyền. Đặc biệt, có sự góp ý chân thành từ khách hàng dùng thử cho mỗi sản phẩm của nhóm làm ra. Từ giải thưởng này, chúng em có thêm động lực trong con đường khởi nghiệp", em Huỳnh Anh Bảo, thành viên nhóm bộc bạch.
Phân bón hữu cơ được "bao" toàn bộ đầu ra
Bên cạnh túi xách cây chuối, nhóm còn nghiên cứu thành công phân bón hữu cơ từ cây chuối. Nhật Hạ, thành viên nhóm cho biết: Toàn bộ phần bẹ non, cuống buồng chuối, gốc chuối…được xử lý bằng cách ủ với chế phẩm vi sinh vật và các phụ gia hữu cơ khác để tạo phân hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam qui định tại Nghị định 108/2017/NĐ-CP. Phân bón dạng bột có mùi hăng.
"Với phân bón hữu cơ thì một trang trại trồng chuối ở Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi cung cấp nguồn nguyên liệu đã yêu cầu được mua lại toàn bộ số phân bón được nhóm sản xuất ra", Lan Anh, thành viên nhóm, phấn khởi bổ sung thêm.
Giảng viên hướng dẫn, TS.Vũ Thị Quyền, Trưởng ngành công nghệ sinh học, khoa công nghệ, Trường ĐH Văn Lang, cho biết: "Sau những thử nghiệm và khảo sát đối với người đã từng sử dụng thì họ đánh giá rất cao về sản phẩm. Trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm thì số lượng còn ít thì chất lượng chưa đồng đều. Nếu sản xuất theo quy mô công nghiệp thì tính đồng đều sẽ cao hơn. Sắp tới đây, ngoài túi xách thì cô sẽ cho các em làm giấy gói thực phẩm. Giấy gói thực phẩm yêu cầu cũng sẽ cao hơn. Hy vọng là sản phẩm của các em tạo ra sẽ đến được với nhiều người hơn".