Sở Công Thương TPHCM lý giải giá hàng hóa tăng cao trước tin giãn cách xã hội

Đình Hưng
09/07/2021 - 08:03
Sở Công Thương TPHCM lý giải giá hàng hóa tăng cao trước tin giãn cách xã hội

Người dân TPHCM mua sắm tại siêu thị

Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, khi cầu tăng đột biến, vượt quá cung ứng của hệ thống phân phối đang gặp khó khăn dẫn tới giá cả hàng hóa tăng cao trong những ngày qua.

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại TPHCM tối ngày 8/7, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương thừa nhận, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố trong những ngày qua hết sức khó khăn. 

Theo ông Phương, hệ thống phân phối gồm các kênh phân phối hiện đại, truyền thống đều bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đã có 3 chợ đầu mối và 148/234 chợ truyền thống trên địa bàn phải tạm dừng hoạt động.

Bên cạnh đó, số lượng siêu thị, các cửa hàng thực phẩm bị dừng hoạt động cũng nhiều. Một lực lượng lao động phục vụ việc cung ứng hàng hóa là F1, F2 cũng phải cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà.

Tình hình cung ứng hàng hóa với kế hoạch của các hệ thống chuẩn bị từ trước, lượng hàng hóa dữ trự tăng 2-3 lần để đảm bảo nguồn cung đầy đủ nhưng hệ thống phân phối không được đầy đủ, giảm sút nhiều do tình hình dịch bệnh dẫn đến việc cung ứng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, theo ông Phương, khi có thông tin thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân có tâm lý muốn dữ trữ hàng hóa trong gia đình nên mua sắm nhiều trong khoảng 2 ngày qua. Trong khi hệ thống phân phối đang gặp khó khăn, đặc biệt đối với hàng hóa từ các địa phương chuyển về thành phố cũng gặp nhiều khó khăn.

Sở Công thương TPHCM nói gì về việc giá hàng hóa tăng cao? - Ảnh 1.

Người dân TPHCM mua sắm tại siêu thị - Ảnh: Đình Hưng

"Khi cầu tăng đột biến, vượt quá cung ứng của hệ thống phân phối đang gặp khó khăn dẫn tới giá cả tăng", ông Phương nói.

Cũng theo Phó giám đốc Sở Công thương, nguyên nhân giá hàng hóa lương thực thực phẩm tăng còn do vừa qua giá xăng dầu cũng được điều chỉnh tăng. Bên cạnh đó, vì 3 chợ đầu mối tạm dừng hoạt động dẫn đến việc sử dụng các phương tiện vận tải nhỏ hơn để vận chuyển hàng hóa cũng khiến cho chi phí tăng, dẫn đến giá hàng hóa tăng.

Trước tình hình trên, Sở Công Thương cũng đã nhận được chỉ đạo của UBND TPHCM, ban hành ngay hướng dẫn cho UBND TP Thủ Đức và các quận huyện thực hiện phát phiếu đi chợ đến từng hộ gia đình, mua sắm theo hình thức cách ngày, 2-3 ngày mua sắm một lần tùy vào tình hình của từng địa phương. Qua đó nhằm giảm mật độ của người dân tập trung mua sắm hàng hóa, thực phẩm.

Phó giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh, mặc dù hệ thống phân phối hiện nay tuy rất khó khăn nhưng các đơn vị đã có nỗ lực rất lớn để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Trong khi đó, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM - cho biết, với tác động tâm lý trước việc thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, một bộ phận người dân với tâm lý cẩn thận đã đổ dồn đi mua thực phẩm với số lượng lớn.

Theo bà Lan, tình trạng này dẫn đến nguy cơ về mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, có nguy cơ một số những thực phẩm kém chất lượng, hạn sử dụng không đảm bảo. Bên cạnh đó, không phải gia đình nào cũng điều điều kiện, phương tiện để bảo quản thực phẩm đúng cách. Nguy cơ mất an toàn thực phẩm xảy ra đồng thời với an toàn phòng chống dịch là nguy cơ hiện hữu.

Cũng theo bà Lan, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh nhưng lực lượng của Ban quản lý An toàn thực phẩm, cũng như lực lượng y tế và công an vẫn túc trực để thực hiện nhiệm vụ. Tất các siêu thị, chợ còn hoạt động vẫn chịu sự giám sát về nguồn gốc thực phẩm; bị xử lý nghiêm khi sai phạm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm