Sở Công thương TPHCM nêu 3 kịch bản cung ứng hàng hóa ứng phó dịch Covid-19

Hưng Long
11/03/2020 - 09:59
Sở Công thương TPHCM nêu 3 kịch bản cung ứng hàng hóa ứng phó dịch Covid-19
Ngày 10/3, bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM - công bố kế hoạch về việc ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang cho biết, trong hai ngày 7 và 8/3, tại các siêu thị và chợ bán lẻ, người dân ùn ùn đi mua hàng hóa thiết yếu về nhà tích trữ khá nhiều. Nguyên nhân của sự việc là do tối 6/3, Việt Nam công bố trường hợp nhiễm cúm Covid-19 thứ 17 và lần lượt các trường hợp nhiễm kế tiếp. Người dân hoang man lo sợ thiếu hụt các loại mặt hàng thiết yếu này.

Nhận được thông tin, ông Phạm Thành Kiên – Giám đốc, và bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó Giám đốc Sở Công thương, đã có mặt tại một số doanh nghiệp phân phối hàng hóa cũng như chợ đầu mối để khảo sát tình hình. Qua nắm bắt thực tế và đối chứng từ nhà cung cấp hàng hóa, Sở Công thương ghi nhận hàng hóa vẫn dồi dào và không xảy ra tình trạng thiếu hụt.

TPHCM: Sở Công thương đề xuất 3 tình huống ứng phó khẩn cấp dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM (đứng) công bố kế hoạch về việc ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19

Bà Trang chia sẻ, trước tình hình và tâm lý của người dân trên của nước về tình hình dịch cúm Covid-19, Sở Công thương đã lên kế hoạch đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố. Sở Công thương cam kết hàng hóa luôn dồi dào kể cả khi nếu có dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 lan rộng trên cả nước. Ban lãnh đạo Sở Công thương đưa ra 3 kịch bản ứng phó với các tình huống để kịp thời ứng phó và bình ổn thị trường.

Tình huống 1, dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, có nguy cơ xuất hiện trường hợp nhiễm mới Covid-19 trên địa bàn TPHCM. Lúc này, người dân thay đổi thói quen từ mua sắm hàng ngày sang mua sắm tập trung và đặc biệt những ngày cuối tuần, có xuất hiện tình trạng thu gom, tích trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phòng chống dịch…

Trong tình huống này, hàng hóa trên thị trường khan hiếm cục bộ một số điểm, chủ yếu ngày cuối tuần. Thị trường xuất hiện một số đối tượng lợi dụng tình hình phức tạp, tăng cường tích trữ, đầu cơ, găm hàng, tung tin đồn thất thiệt, nâng giá bán bất hợp lý để trục lợi; góp phần làm tình hình thị trường diễn biến phức tạp.

Tình huống 2, dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, tiếp tục xuất hiện trường hợp nhiễm Covid-19 trên địa bàn TPHCM. Nếu tình huống này xảy ra, người dân sẽ hoang mang, tăng cường thu gom tích trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng chống dịch… Khi đó nhu cầu tăng đột biến, dẫn đến thiếu hụt hàng hóa, gây sốt hàng cục bộ. Thói quen người dân dịch chuyển dần sang kênh phân phối thương mại điện tử.

Tình huống 3, nếu dịch bệnh lây lan trong cộng đồng thì người dân tiếp tục hoang mang, tăng cường thu gom tích trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phòng chống dịch… Khi đó nhu cầu tăng mạnh, dẫn đến thiếu hụt hàng hóa, gây sốt hàng tại nhiều nơi. Người dân sẽ hạn chế đến nơi đông người, thói quen mua sắm thay đổi mạnh sang kênh phân phối thương mại điện tử.

Từ các tình huống trên, Sở Công thương đã có các giải pháp cụ thể để cung ứng hàng hóa kịp thời lưu thông trên thị trường. Các doanh nghiệp đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn, kể cả trong tình huống dịch bệnh lan rộng, nhiều khu vực có thể bị cách ly.

TPHCM: Sở Công thương đề xuất 3 tình huống ứng phó khẩn cấp dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Các siêu thị chuẩn bị nguồn thịt lợn để ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Bà Trang khuyến cáo các doanh nghiệp phân phối hàng hóa nên tăng cường bán hàng thông qua kênh phân phối thương mại điện tử.

Các doanh nghiệp tham gia ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh Covid-19 đã chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 30 – 40% so với ngày thường; sẵn sàng cung ứng kịp thời đến điểm bán bình ổn thị trường, các hệ thống phân phối. Doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị nguyên vật liệu, sẵn sàng nâng khả năng cung ứng nguồn hàng tăng 50 – 100% trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Huỳnh Trang

Quá trình triển khai cung cấp hàng hóa, ứng phó với dịch bệnh, Sở Công thương sẽ căn cứ quy định pháp luật, tình hình diễn biến dịch bệnh; xem xét trình UBND TPHCM quyết định các chính sách huy động và phân phối nguồn hàng theo cơ chế đặc thù, đối phó khẩn cấp với dịch bệnh.

Các doanh nghiệp tham gia ứng phó khẩn cấp cam kết không để thiếu hụt hàng hóa trên địa bàn và phân phối trong cả nước. Sở Công Thương đã huy động khoảng 50 doanh nghiệp cung ứng và phân phối sản phẩm trên cả nước. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm