Ngủ trong thời gian quá ngắn hoặc quá dài đều không tốt. Ngủ quá ít sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, đầu óc không tập trung, tâm trạng buồn phiên, lo lắng, nếu kéo dài tình trạng này sẽ dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, huyết áp cao, béo phì. Nhiều người tận dụng cuối tuần để ngủ bù ngày thường làm việc vất vả, thế nhưng càng ngủ càng khiến cơ thể mệt mỏi và yếu hơn.
Quỹ Giấc ngủ Quốc gia (NSF) của Mỹ đã đưa ra lời khuyên về thời gian ngủ đối với từng độ tuổi khác nhau:
Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi hoạt động chủ yếu là ngủ, do đó mỗi ngày cần ngủ từ 14-17 tiếng. Trẻ từ 1-2 tuổi mỗi ngày cần 11-14 tiếng để ngủ. Trẻ từ 6-13 tuổi nên duy trì giấc ngủ từ 9-11 tiếng hàng ngày.
Thanh thiếu niên trong khoảng 14-17 tuổi nên ngủ 8-10 tiếng mỗi ngày, nếu ngủ quá 11 tiếng sẽ không tốt cho sức khỏe.
Đối với người trưởng thành từ 18-64 tuổi, mỗi ngày ngủ từ 7-9 tiếng là hợp lý nhất, ngủ 6 tiếng hoặc 10 tiếng một ngày cũng không có vấn đề gì, nhưng nếu ngủ ít hơn 6 tiếng hoặc nhiều hơn 10 tiếng sẽ không đảm bảo duy trì sức khỏe tốt.
Người trên 65 tuổi nên ngủ 7-8 tiếng mỗi ngày. Một số người cao tuổi chỉ ngủ 5 tiếng và có thói quen dậy khá sớm, tuy nhiên họ lại cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày.
Có một số người không ngủ đủ theo thời gian được đưa ra ở trên, song chất lượng giấc ngủ của họ lại cao hơn. Tiêu chuẩn đánh giá một giấc ngủ có đủ hay không chính là trạng thái của bạn sau khi thức giấc vào sáng hôm sau có tỉnh táo và tràn đầy năng lượng hay không.
Chuyên gia đưa ra một số lời khuyên giúp bạn có giấc ngủ chất lượng:
- Quyết tâm không ngủ dậy muộn. Đi ngủ và thức dậy theo giờ cố định là cách tốt nhất để giữ cho đồng hồ sinh học hoạt động ổn định. Việc ‘ngủ bù’ vào cuối tuần có thể khiến cho đồng hồ sinh học của bạn bị rối loạn.
- Không sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ. Màn hình của các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại phát ra ánh sáng màu xanh, ức chế cơ thể sản sinh ra chất melatonin hỗ trợ giấc ngủ. Trước khi ngủ đọc sách báo sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn.
- Ăn tối sớm. Cơ thể cần có thời gian chuyển hóa thức ăn được hấp thụ vào bữa tối, nếu ăn cơm muộn rồi đi ngủ dễ khiến cho dạ dày khó chịu, ảnh hưởng tới giấc ngủ. Trước khi ngủ bạn có thể uống một cốc nước ấm hoặc sữa ấm để dễ dàng đi vào giấc ngủ.
- Đừng đếm cừu. Chuyên gia khuyên rằng, thay vì đếm cừu một cách nhàm chán, bạn hãy nhớ lại những việc tốt xảy ra trong ngày.
- Nghe nhạc. Những bản nhạc nhẹ nhàng, cổ điển giúp đầu óc và tâm trạng bạn thoải mái hơn, cũng tốt cho việc cải thiện chất lượng giấc ngủ.