An Tư công chúa là con gái út của vua Trần Thái Tông, em gái của vua Trần Thánh Tông và là cô ruột của vua Trần Nhân Tông, sống vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIII. Cuộc đời của An Tư công chúa được sử Việt chép rất sơ lược, không rõ cả năm sinh năm mất. Hầu hết các sử sách đều chép bà là công chúa An Tư, duy chỉ có sách Việt sử tiêu án chép là công chúa Thiên Tư.
Tháng giêng năm 1285, một lực lượng lớn quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy tràn vào xâm lược Đại Việt lần thứ 2. Sau một số trận chiến đấu ở vùng biên giới, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cho lui quân về Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương) chống cự. Thoát Hoan tập trung quân tấn công vào Vạn Kiếp, quân ta tổn thất lớn. Trước sức mạnh của giặc, vua Trần ra lệnh rút quân, sai Trần Quang Khải đóng chặn ở đoạn hiểm yếu. Trước thế giặc hung hãn, nhiều tôn thất nhà Trần như Trần Ích Tắc, Trần Kiện, Trần Lộng đều bỏ trận quy hàng, tình thế hết sức nguy cấp.
Vua Trần sai Trần Khắc Chung làm sứ giả sang trại giặc vờ thương thuyết để làm chậm tốc độ tiến quân của giặc nhưng không có kết quả. Trong tình thế vô cùng cấp bách đó, triều đình buộc phải tìm kế hoãn binh để có thời gian củng cố lực lượng, tổ chức chiến đấu. Kế hoạch cử người sang gặp Thoát Hoan cầu hòa được tán đồng. Ngoài các lễ vật quý giá làm quà tặng, triều đình quyết định chọn một công chúa có nhan sắc dâng cho Thoát Hoan để cầu thân.
Năm 1943, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã viết cuốn tiểu thuyết lịch sử An Tư để nói về cuộc đời của nàng công chúa nhà Trần không được lịch sử nhắc đến. |
Ngày mồng 1 tháng 2 năm đó, công chúa An Tư giã biệt mọi người theo đoàn sứ giả vào trại giặc.
"Đại Việt sử ký toàn thư" chép: “Tháng 2 (Ất Dậu)… sai người đưa Công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan, là muốn làm thư nạn cho nước vậy”.
Sách "Việt sử tiêu án" của Ngô Thì Sĩ cũng chỉ ghi: “Thoát Hoan lên sông Nhĩ Hà, cột liền bè vào làm cầu, cho quân qua sông. Quân ta theo hai bên sông lập đồn để cự lại, không được. Ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, vua sai đưa Công chúa Thiên Tư cho chúng, để thư nạn cho nước”.
Có một sự trùng hợp lịch sử đáng ngạc nhiên là sau khi công chúa An Tư được dâng Thoát Hoan, thế nước bớt căng thẳng đi nhiều. Chỉ sau đó không lâu, thế quân của ta bắt đầu lên và từ đó liên tiếp thu được thắng lợi. Sau đó quân Nguyên đại bại, Thoát Hoan phải trốn trong ống đồng về nước. Từ đó về sau, số phận nàng công chúa xinh đẹp cũng ‘biệt vô âm tín’, không một tài liệu lịch sử nào còn nhắc đến bà. Công chúa An Tư gần như bị rơi vào quên lãng.
Vở “An Tư công chúa” do Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn. |
Sách "An Nam chí lược" của Lê Trắc có đoạn chép: “Trước, Thái tử (chỉ Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần sinh được 2 con”. Phải chăng người con gái ấy là công chúa An Tư. Số phận của bà về sau như thế nào cũng chưa được biết rõ.
Nhà Trần với 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông, đội quân hùng mạnh làm mưa làm gió khắp Á - Âu bấy giờ đã trở thành triều đại vinh quang trong lịch sử nước ta. Trong chiến công chung đó có những phần đóng góp, hy sinh thầm lặng của công chúa An Tư.
Mãi đến đầu thế kỷ XX, một số trí thức tích cực vận động cho văn hóa dân tộc mới bắt đầu nhắc đến An Tư công chúa như một tấm gương hy sinh vì nước. Năm 1943, câu chuyện về An Tư công chúa được nhà văn nổi tiếng Nguyễn Huy Tưởng viết thành tiểu thuyết An Tư.