Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lý Chiêu Hoàng sinh năm Mậu Dần (1218), là con gái vua Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung. Bà được sắc phong làm Chiêu Thánh công chúa. Khi bà chào đời, nhà Lý (1010-1225) đã vào thời kỳ suy tàn.
Thời Lý Huệ Tông, Sử viết: “Bấy giờ thừa hưởng thái bình đã lâu ngày, giường mối dần bỏ, dân không biết việc binh, giặc cướp nổi lên không ngăn cấm được. Vua mới lên ngôi, đem việc nước giao cho Thái uý Đàm Dĩ Mông. Dĩ Mông là người không có học thức, không có mưu thuật, lại nhu nhược không quyết đoán, chính sự ngày một đổ nát".
Năm 1224, Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ (anh họ Trần Thị Dung) - người nắm quyền lực lớn nhất trong triều đình thời bấy giờ ép vua Lý Huệ Tông đi tu. Không có con trai, Lý Huệ Tông xuống chiếu lập Chiêu Thánh làm Hoàng Thái tử, truyền ngôi cho cô công chúa mới 6 tuổi gọi là Lý Chiêu Hoàng, lấy niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo.
Năm 1225, Trần Thủ Độ đưa Trần Cảnh là cháu họ mới 8 tuổi vào cung hầu hạ Lý Chiêu Hoàng, thực ra là lấy cớ để dựng nên cuộc hôn nhân giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh rồi chuyển giao triều chính bằng cách để Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng.
Tháng 11/1225, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Một tháng sau, triều đình mở hội lớn ở điện Thiên An, Chiêu Hoàng trút bỏ hoàng bào, chính thức mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế và trở thành vị vua đầu tiên của nhà Trần.
Sau khi nhường ngôi cho chồng, Chiêu Hoàng lúc đó mới 7 tuổi, được sắc phong làm Chiêu Thánh hoàng hậu. Bảy năm sau (1232), khi 14 tuổi bà sinh con trai đặt tên là Trần Trịnh nhưng không may thái tử mất ngay sau đó. Từ đó, Chiêu Thánh đau ốm liên miên, không sinh được người con nào với Trần Thái Tông nữa.
Tượng thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng tại đền Rồng (Từ Sơn, Bắc Ninh) |
Trần Thái Tông hơn 10 năm mà vẫn chưa sinh được con trai nối dõi nên Thái sư Trần Thủ Độ sợ vua không có người thừa tự mới. Đến năm 1237, Trần Thủ Độ và vợ là Trần Thị Dung (vợ cũ vua Lý Huệ Tông, mẹ của Chiêu Thánh, sau khi lấy Trần Thủ Độ được gọi là công chúa Thiên Cực) ép Trần Thái Tông phải bỏ Chiêu Thánh. Trần Thái Tông lúc đầu phản đối, bỏ ngôi vua lên chùa Phù Vân ở Quảng Yên. Trần Thủ Độ vừa dỗ vừa gây sức ép, cuối cùng Thái Tông cũng phải chịu nghe theo. Không còn chỗ bấu víu, Chiêu Thánh bị giáng xuống làm công chúa. Sau đó, Trần Thái Tông lấy chị dâu (vợ Trần Liễu, chị gái Chiêu Thánh) là công chúa Thuận Thiên đang có thai 3 tháng.
Bao biến động xảy ra, công chúa Chiêu Thánh buồn cho số phận nên đã đi tu. Những tưởng cuộc đời bà đã có thể yên bình, thanh tịnh nơi cửa phật nhưng chỉ được thời gian ngắn lại phải quay trở về cung cấm.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất (1257- 1258) có một vị tướng là Lê Tần lập được nhiều chiến công, đặc biệt là công cứu vua Trần Thái Tông trong một trận đánh diễn ra vào giữa tháng 12 năm Đinh Tị (1257) nên được vua đổi tên là Lê Phụ Trần.
Sau khi đánh đuổi quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi, Trần Thái Tông định công ban thưởng cho quần thần, nghĩ đến công lớn của Lê Tần, vua không chỉ phong tước mà còn gả vợ cũ của mình là công chúa Chiêu Thánh cho ông.
Theo Việt Nam đại hồng sử, sau khi được gả cho Lê Phụ Trần, Chiêu Thánh theo chồng về ở tại đất Bạch Hạc (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) rồi không lâu sau họ cùng nhau trở về quê ông nơi đất Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay). 20 năm sống với Lê Phụ Trần, Chiêu Thánh sinh được 2 người con. Con trai là Thượng vị hầu Tông, còn con gái của bà là Ứng Thụy công chúa Khuê. Việc sinh con đã mang lại niềm hạnh phúc được làm mẹ cho Chiêu Thánh, là niềm an ủi lớn lao cho quãng đời còn lại của bà.
Theo chính sử, Chiêu Thánh mất vào đầu năm Mậu Dần (1278) trong một lần về thăm quê hương Cổ Pháp (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh), thọ 60 tuổi, lăng mộ đặt ở bên rừng Báng thuộc đất Đình Bảng, dân gian gọi đó là lăng Cửa Mả.
Đền Rồng nơi thờ Lý Chiêu Hoàng ở Từ Sơn, Bắc Ninh. |
Tuy là vua chính thức của vương triều nhà Lý nhưng Lý Chiêu Hoàng không được sử sách công nhận một cách công bằng. Nhà Lý có 9 vị vua nhưng chỉ có 8 vị trước bà (từ Lý Thái Tổ tới Lý Huệ Tông) được thờ tại Đền Đô, riêng bà lại thờ tại khu vực khác, gọi là Đền Rồng.
Cuộc đời trải qua biết bao biến cố thăng trầm đã khiến Lý Chiêu Hoàng trở thành nhân vật có số phận đặc biệt nhất trong lịch sử Việt Nam với 7 lần ở những danh vị khác nhau, như một sợi chỉ mỏng manh nối từng giai đoạn chuyển hóa quyền lực giữa 2 triều đại Lý - Trần: 1. Công chúa triều Lý, 2. Hoàng Thái tử nhà Lý, 3. Nữ Hoàng đế nhà Lý, 4. Hoàng hậu nhà Trần, 5. Công chúa nhà Trần, 6. Nhà sư (thời Trần), 7. Phu nhân tướng quân nhà Trần.