Nguyễn Như Thành (học sinh lớp 12 trường THPT Hoàng Văn Thụ, Hà Nội) đang rất phân vân trước quyết định chọn trường, ngành học Đại học khi ngày tuyển sinh đang cận kề.
Trong gia đình mà cả bố và mẹ đều công tác trong ngành quân đội, ngay từ bé Thành đã được định hướng theo ngành này. Bố mẹ Thành đã định sẵn cho con đăng ký vào trường lục quân 1 hoặc học viện chính trị ngay khi có điểm thi. Tuy nhiên, Thành lại không mấy mặn mà với việc trở thành quân nhân.
Thành chia sẻ, ngoài sở thích kinh doanh, một trong những lý do khiến em không muốn học trong quân đội vì không thích cảnh thường xuyên phải công tác xa nhà, thậm chí cả tháng mới về nhà một hai lần. “Em cảm thấy thật khó lựa chọn, nên chọn ngành mình yêu thích hay chọn theo ngành bố mẹ đã chọn sẵn cho mình. Bản thân em muốn thi vào ĐH Thương mại”.
Ảnh minh họa. Nguồn: VOV. |
Theo Tiến sĩ tâm lý Phạm Mạnh Hà, không ít bậc phụ huynh mong muốn con nối nghiệp gia đình, đó là điều rất bình thường và những người làm con nên thông cảm với người làm cha làm mẹ. Tuy nhiên, nếu thấy không phù hợp thì các bạn trẻ hãy “tư vấn” lại cho bố mẹ về những điều mà mình mong muốn, hay giải thích cho bố mẹ hiểu điều kiện làm việc ở ngành nghề như bố mẹ là khó khăn đối với con.
TS Hà phân tích: “Trường hợp của Thành, hãy chia sẻ rằng con thích một công việc tập trung và ổn định hơn vì vậy con mong muốn học ngành thương mại. Con không học quân sự, nhưng học kinh tế hay thương mại thì vẫn có thể phục vụ trong các công ty quân đội. Khi đó con vẫn có thể cống hiến trí tuệ và công sức của con, để bố mẹ có thể tự hào.
Một cách khác, nếu được bố mẹ ủng hộ, có thể em vẫn học trong quân đội với điều kiện khi ra trường , bố mẹ chấp thuận cho em làm việc liên quan đến kinh tế của những công ty thuộc hệ thống quân đội. Hiện nay, trong lĩnh vực quốc phòng có rất nhiều doanh nghiệp, tuyển dụng nhiều người trong và ngoài ngành, có thể không học từ các trường quân đội ra. Cách trao đổi với bố mẹ như vậy dễ tìm được tiếng nói đồng thuận”.
Theo Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, nên tìm cách dung hòa mong muốn của bố mẹ và sở thích, nguyện vọng của con cái: “Tôi nghĩ bố mẹ cũng sẽ tin tưởng rồi ủng hộ các quyết định của con. Bởi chúng ta sẽ không thể làm tốt, phát triển tột bậc với một nghề khi mà không đam mê, ưa thích nó. Nếu chọn một công việc chỉ để làm vừa lòng bố mẹ mà không phù hợp với bản thân thì các bạn trẻ sẽ phải trả giá, có thể không ngay lập tức mà sau 10 năm, 15 năm và thậm chí cả cuộc đời”.