Sở thích lạ đời của mẹ

Song Nghi
28/03/2023 - 08:56
Những đứa trẻ thơ dại chúng tôi ngày ấy nào đã hiểu sâu xa về cái sở thích lạ đời của mẹ. Thế nên, như một thói quen, hễ chị em chúng tôi không thích ăn gì là… đẩy sang bát của mẹ…

- Mẹ ơi, con ghét da gà lắm, mẹ ăn da gà đi. Con chỉ ăn thịt đùi gà thôi!

- Được rồi, được rồi! Thịt đùi gà của con đây. Mẹ quên mất là con không thích ăn da, để đấy mẹ ăn.

- Mà sao mẹ cứ thích ăn da với cổ cánh gà thế nhỉ?

Đoạn đối thoại của hai mẹ con cậu bé vang lên từ bàn ăn bên cạnh khiến tôi chú ý. Câu hỏi của cậu bé bỗng dội về trong tôi kỉ niệm của mấy chục năm về trước khiến trái tim tôi nhói đau, nuối tiếc, ân hận…

Ngày ấy, ở độ tuổi lên năm, lên mười như cậu bé bàn bên, tôi cũng luôn nghĩ mẹ tôi có sở thích ăn da, cổ, cánh và đầu gà. Nhà tôi ở quê nghèo, mẹ nuôi được đàn gà, chỉ dành khi nào có giỗ hay dịp Tết mới được thịt. Những khi ấy, tôi và thằng em sung sướng vô cùng vì được mẹ chia cho 2 cái đùi. Những miếng nạc mẹ gắp cho ông bà tôi, còn bố tôi nhắm rượu với 2 cái cánh. Nhiều bữa, mẹ tôi và bà nội cứ gắp ra gắp vào nhường nhau miếng thịt lườn. Và câu nói quen thuộc tôi thường nghe thấy là: "Con không thích ăn thịt, răng của con chắc nên thích gặm đầu, cổ, chân gà hơn. Mẹ xơi đi ạ".

Sở thích lạ đời của mẹ - Ảnh 1.

Không chỉ có "sở thích" gặm đầu, cổ, chân gà, mẹ tôi còn "thích" ăn cháy cơm. Hồi đó, nấu cơm bằng bếp rơm, củi, than nên nồi cơm ngày nào cũng có cháy - nhẹ thì bén nồi, nặng thì cả mảng đen sì. Mỗi bữa ngồi đầu nồi xới cơm cho cả nhà, mẹ luôn xới phần ngon cho mọi người trước, đến lượt mẹ tôi thì là bén xoong và cháy. Có bận tôi ngây ngô hỏi mẹ: "Sao mẹ toàn ăn những thứ chẳng ai thích ăn thế?". Mẹ cốc đầu tôi và cậu em: "Mẹ ăn gì cũng được, miễn là các con ăn no, ăn ngon, sau này học hành nên người".

Những đứa trẻ thơ dại chúng tôi ngày ấy nào đã hiểu sâu xa về cái sở thích lạ đời của mẹ. Thế nên, như một thói quen, hễ chị em chúng tôi không thích ăn gì là… đẩy sang bát của mẹ… Bao năm như thế, cho đến sau này khi lớn lên, nhận thức được điều hay lẽ phải, chị em chúng tôi mới hiểu rõ về sự thật tại sao mẹ tôi lại hay gặm xương, ăn cháy cơm. Có lần tôi hỏi mẹ, đại ý rằng tại sao mẹ lại phải hy sinh như thế, sao phải ăn những thứ không ngon rồi nói là mình thích. Mẹ giải thích là vì được bà ngoại dạy rằng, là người vợ, người mẹ trong gia đình thì phải lấy công - dung - ngôn - hạnh làm đầu, phải biết nhường nhịn "Miếng nạc thì để phần chồng. Miếng xương phần mẹ, miếng lòng phần con". Do được giáo dục về sự hy sinh cho gia đình, chồng con từ nhỏ nên tư tưởng đó ăn sâu vào máu, thành nếp sống của mẹ.

Nghe mẹ nói, nước mắt tôi cứ trào ra. Thương cả thời thanh xuân của mẹ chỉ biết hai chữ "hy sinh". Đến khi chúng tôi trưởng thành, hiểu được sự hy sinh ấy, muốn bù đắp cho mẹ thì mẹ đã có tuổi rồi, muốn mẹ được ăn miếng ngon thì mẹ cũng đâu ăn được nhiều; muốn mẹ được đi đây đi đó thì mẹ đâu còn sung sức nữa.

Chính từ câu chuyện của mẹ tôi mà sau này khi xây dựng gia đình, có con, tôi không lấy chữ "hy sinh" làm kim chỉ nam sống cho mình như mẹ. Tôi dạy các con tính cộng đồng trách nhiệm, biết thấu hiểu và sẻ chia. Tôi không đồng ý việc khi các con không thích ăn món gì là đẩy sang cho mẹ. Thi thoảng, tôi hay mang những câu chuyện về tuổi thơ nghèo của mình kể cho các con, vừa là sự sẻ chia, đồng thời rút ra bài học cho chúng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm