Theo báo cáo của Sở Y tế Đắk Lắk, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, trong hồ sơ hội chẩn lần 1 vào ngày 7/3, các bác sĩ BV Đa khoa huyện Cư Kuin không ghi đầy đủ nội dung, thời gian hội chẩn và không ghi tên phẫu thuật viên. Các thành viên tham gia hội chẩn cũng không nhận định được tình trạng diễn biến của bệnh.
Các bác sĩ trực tiếp điều trị chưa ý thức cảnh giác phòng, chống hội chứng chèn ép khoang cấp tính. Do đó bệnh nhân chưa được thăm khám các nội dung phù hợp với bệnh cảnh hiện tại.
Với những thiếu sót trong quá trình điều trị, Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, trách nhiệm thuộc về tập thể Ban Giám đốc BV Đa khoa huyện Cư Kuin, các phòng chuyên môn, khoa Ngoại và các cá nhân có liên quan gồm ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc BV, ông Y Tâm - bác sĩ khoa Ngoại, ông Trịnh Đức Lam - Phó giám đốc kiêm trưởng khoa Ngoại và ông Lê Quang Nghĩa - Phó Giám đốc BV. Trong đó, bác sĩ Trịnh Đức Lam là phẫu thuật viên nhưng khi khám bệnh, phát hiện chân tổn thương căng cứng, nổi phồng nước của bệnh nhân đã không đánh giá, tiên lượng được tổn thương sâu xa và biến chứng của loại gãy này, chỉ chú ý đến xương gãy mà không chú ý đến biến chứng sau gãy xương. BS Lê Quang Nghĩa là người trực lãnh đạo cùng hội chẩn với bác sĩ nhưng không nắm được chuyên môn để chỉ đạo các bác sĩ trong khoa xử lý.
Hà Vi khi còn điều trị tại bệnh viện |
Sở Y tế yêu cầu, BV Đa khoa huyện Cư Kuin phải tổ chức họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân nói trên.
Đối với các điều dưỡng Vũ Thị Kim Len, Lê Thị Long, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Vũ Nguyên chỉ là những người thực hiện đầy đủ theo y lệnh của bác sĩ nên chưa đủ căn cứ quy trách nhiệm liên quan.
BV Đa khoa huyện Cư Kuin cũng phải có trách nhiệm động viên, hỗ trợ kinh phí để giảm bớt khó khăn về tài chính đối với gia đình bệnh nhân; hỗ trợ chi trả chi phí điều trị, chi phí tái khám, lắp chân giả đối với bệnh nhân Vi tại BV Chấn thương chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM.
Trước đó, vào ngày 6/3, Lê Thị Hà Vi vào khoa Ngoại, BV Đa khoa huyện Cư Kuin trong tình trạng vỡ mâm chày xương cẳng chân, được chỉ định bó bột. Sau đó, bệnh nhân được xếp mổ. Tuy nhiên, 1 ngày sau mổ, đùi và cẳng bàn chân bệnh nhân sưng to, phổng nước nên các bác sĩ đã chỉ định rạch bột, chuyển lên phòng mổ nhưng do chân phải nổi nhiều mụn nước, sưng nề nên hoãn mổ và đưa về khoa Ngoại để tiếp tục điều trị nội khoa bằng kháng sinh, giảm đau. Gia đình có nguyện vọng chuyển viện nhưng không được. Đến ngày 11/3, tình trạng sức khoẻ bệnh nhân xấu đi lúc này BV Đa khoa Cư Kuin mới cho chuyển viện. Do chuyển viện muộn nên các bác sĩ đã phải phẫu thuật cắt chân phải cho Vi.