Sóc Sơn (Hà Nội): Ai quyết định 'số phận' của 256 giáo viên hợp đồng?

14/07/2019 - 10:00
Đã hơn 4 tháng kể từ khi 256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) kêu cứu vì có nguy cơ mất việc trước kỳ thi tuyển viên chức. PNVN đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng này. Các cấp, ngành cũng đã vào cuộc, song đến nay, "số phận" của các giáo viên này vẫn chưa có câu trả lời.

Không đủ điều kiện để xét tuyển đặc biệt

Năm học cũ đã qua đi, năm học mới chuẩn bị bắt đầu nhưng 256 giáo viên hợp đồng có thời gian công tác từ 5 năm trở lên ở huyện Sóc Sơn vẫn “như đang ngồi trên đống lửa”. Hy vọng, thất vọng rồi lại lóe lên những tia hy vọng khiến họ đang rơi vào tình cảnh chênh vênh hơn bao giờ hết.

 

soc-son-11.jpg
Tan buổi họp với lãnh đạo UBND huyện, hàng trăm giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn bày tỏ sự thất vọng, lo lắng.

 

Câu chuyện 256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn có nguy cơ mất việc trước kỳ thi tuyển viên chức đã “nóng” từ nhiều tháng nay. Báo PNVN cũng có nhiều bài viết đề cập đến tâm tư, nguyện vọng của hàng trăm giáo viên, trong đó đa phần là giáo viên nữ ở huyện Sóc Sơn. Trước câu chuyện này, Bộ Nội vụ, UBND thành phố Hà Nội cùng các cơ quan chức năng đã vào cuộc để trấn an giáo viên.

 

Theo Quyết định số 3455/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ký ngày 28/6/2019, sẽ có nhiều sửa đổi, bổ sung trong việc xét tuyển đối với các giáo viên hợp đồng trên địa bàn thành phố. Quyết định này đã mở ra tia hy vọng cho 256 giáo viên hợp đồng của huyện Sóc Sơn cũng như nhiều giáo viên khác trên địa bàn thành phố.

 

Tuy nhiên, ngày 9/7, dưới sự chủ trì của ông Lê Hữu Mạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn - cuộc họp với hiệu trưởng các trường tiểu học, trung học cơ sở có giáo viên hợp đồng và giáo viên hợp đồng trên địa bàn đã diễn ra.

 

Tại cuộc họp này, Trưởng phòng Nội vụ huyện Sóc Sơn Nguyễn Hồng Sơn cho biết, theo Quyết định 3455/QĐ-UBND ngày 28/6/2019 do UBND thành phố Hà Nội ban hành, hình thức xét tuyển do UBND cấp huyện đề xuất trên cơ sở Nghị định 161 của Chính phủ: xét tuyển đặc biệt, xét tuyển, thi tuyển.

 

Tuy nhiên, đối với trường hợp xét tuyển đặc biệt phải đảm bảo có bằng đại học phù hợp với chuyên môn, hợp đồng với các đơn vị sự nghiệp hoặc các doanh nghiệp nhà nước nhưng đơn vị sự nghiệp công lập phải tự chủ về chi thường xuyên.

 

“Như vậy nghĩa là trong tất cả chúng tôi, kể cả những người cống hiến hơn 20 năm cũng không đủ điều kiện để xét tuyển đặc biệt. Bởi hiện nay ở huyện Sóc Sơn làm gì có trường nào tự chủ thường xuyên cơ chứ. Như thế khác nào đánh đố chúng tôi và quyết định 3455 cũng chỉ ra cho có”, một nữ giáo viên bức xúc chia sẻ.

 

anh1.jpg
Ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Hà Nội

 

Đúng như băn khoăn, bức xúc của các giáo viên, tại cuộc họp sáng 9/7, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn khẳng định, 97 trường của 3 khối (THCS, Tiểu học, Mầm non) ở huyện Sóc Sơn, không có trường nào tự chủ chi thường xuyên nên 256 giáo viên hợp đồng tại huyện không đủ điều kiện xét tuyển đặc biệt. Nghĩa là số giáo viên này vẫn buộc phải thi tuyển hay xét tuyển. Và huyện Sóc Sơn sẽ chọn xét tuyển.

 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, việc xét tuyển cũng chẳng khác thi tuyển là bao, giáo viên được miễn thi vòng 1 (ngoại ngữ và kiến thức chung về quản lý nhà nước) nhưng sẽ phải thi vòng 2 (vốn là vòng “khốc liệt” nhất, theo trải nghiệm của giáo viên - PV). Vòng 2 bao gồm 2 nội dung là thi vấn đáp và thực hành (soạn và giảng).

 

“Trong cuộc họp này, chúng tôi thực sự sốc, lãnh đạo huyện chỉ mang luật ra nói và gần như đổ lỗi cho giáo viên. Trong khi theo Quyết định 3455 của UBND thành phố thì lại khác. Theo quyết định và cách làm của UBND huyện Sóc Sơn thì 256 giáo viên hợp đồng chúng tôi không có sự khác biệt nào với thí sinh tự do. Ai sẽ quyết định số phận của 256 giáo viên hợp đồng?”, một giáo viên xin giấu tên chia sẻ.

 

Lo lắng, thất vọng là tâm trạng chung của các giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn sau khi dự cuộc họp với lãnh đạo huyện Sóc Sơn. Cô giáo N.T.T cho hay, cô và hàng trăm giáo viên khác rất hoang mang, bởi tại sao cùng một công văn nhưng trên nói một kiểu, dưới lại hiểu kiểu khác? “Vậy anh chị em giáo viên hợp đồng biết tin vào cái gì đây? Sau khi họp xong, mọi người không ai muốn rời phòng họp. Thật bất công đối với những giáo viên hợp đồng như chúng tôi”, cô T. gạt nước mắt nói.

 

Sẽ xét tuyển, nhưng...

Liên quan đến sự việc này, chiều 9/7, tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội khóa XV, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội sẽ xét tuyển hết số giáo viên đã ký hợp đồng nhiều năm với các quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, để được xét tuyển, giáo viên hợp đồng phải đảm bảo các tiêu chí: có hợp đồng, đóng bảo hiểm trong suốt thời gian vừa qua; kiểm tra lại sức khỏe; có trình độ nghiệp vụ phù hợp với đề án mô tả vị trí việc làm, nhà trường đó đang thiếu sẽ được xét tuyển.

 

Trên cơ sở đó, thành phố giao Sở Nội vụ, các quận, huyện tiến hành xét tuyển. Dự kiến, thành phố chỉ xét tuyển đối với giáo viên có hợp đồng từ trên 5 năm trở lên, số giáo viên còn lại sẽ được tham dự thi tuyển. Thành phố mong các đại biểu, cử tri theo dõi việc tổ chức xét tuyển đối với giáo viên hợp đồng, nhằm đảm bảo khách quan, công tâm.

 

Cùng trong 1 ngày nhưng tâm trạng, “số phận” của 256 giáo viên lại đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác. Liệu rồi đây, “số phận” của họ sẽ như thế nào, khi năm học mới đã cận kề mà vẫn chưa biết tương lai ra sao?

 

Họ sẽ đi về đâu?

Cần ghi âm, ghi hình phần thi vấn đáp?

Chia sẻ với PV, các giáo viên hợp đồng của huyện Sóc Sơn cho biết, dù là những người có cả chục năm kinh nghiệm giảng dạy nhưng trước nay hầu hết các giáo viên hợp đồng đều không qua được vòng thi này. “Bản thân anh chị em giáo viên chúng tôi đặc biệt băn khoăn ở phần thi vấn đáp vì chẳng có căn cứ nào để khiếu nại, cũng không ai giám sát, bảo sai thì sai, bảo đúng là đúng. Theo tôi cần thiết phải có ghi âm, ghi hình để làm cơ sở nếu người dự thi thắc mắc”, một giáo viên bày tỏ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm