pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sóc Trăng: Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số
Hội viên, phụ nữ tham quan mô hình trồng rau sạch
Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng nâng lên
Với dân số gần 1,2 triệu người (phụ nữ chiếm tỷ lệ 50,16%; phụ nữ dân tộc thiểu số chiếm 35,7%). Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, các công trình dân sinh, phát triển sản xuất, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội… của đồng bào dân tộc thiểu số, nên đời sống người dân không ngừng nâng lên.
Góp phần vào thành tích chung của tỉnh, các cấp Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng luôn chú trọng trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ nâng cao năng lực, tích cực hưởng ứng thực hiện phát triển sản xuất lúa đặc sản, dự án chăn nuôi bò, thực hiện các mô hình sản xuất an toàn gắn với ứng phó hạn, xâm nhập mặn và phòng chống dịch bệnh trên cây trồng.
Bên cạnh đó, tham gia thực hiện về phát triển du lịch, bảo vệ môi trường, thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ an toàn cho phụ nữ, trẻ em.
Theo Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng, sau khi tiếp thu các văn bản về thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đới với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025; Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã xác định đây chính là nguồn lực quan trọng và bền vững để giúp cho Hội triển khai các hoạt động hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch và hướng dẫn thực hiện các hoạt động của Dự án 8. Trong đó, chọn địa bàn thực hiện 118 khóm/ấp thuộc 27 xã, phường thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; chọn xã Thạnh Thới An (huyện Trần Đề) là xã điểm để TƯ Hội triển khai thành lập câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi". Đối với tỉnh, chọn thị trấn Hưng Lợi (huyện Thạnh Trị) để thực hiện mô hình điểm địa chỉ tin cậy cộng đồng.
Bên cạnh đó, đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc TƯ Hội khảo sát, thu thập thông tin, dữ liệu, tài liệu, hiện vật có liên quan về bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; cuộc sống của phụ nữ Khmer tại một số xã trên địa bàn.
Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ
Cũng theo Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng, đối với việc hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số xây dựng mô hình sinh kế, phát triển kinh tế được các cấp Hội thực hiện lồng ghép trong việc hỗ trợ hội viên phụ nữ nói chung. Hội đã tổ chức nhiều hoạt động như nâng cao năng lực, kỹ năng thông qua việc hỗ trợ xây dựng ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; tập huấn về ghi chép sổ sách, quản lý kinh tế hộ, bán hàng online…
Tỉnh Hội cũng luôn quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm, hùn vốn, tương trợ; đi đôi với tạo điều kiện thuận lợi cho chị em tiếp cận các nguồn vốn vay từ các chương trình tín dụng tiết kiệm, quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo và ngân hàng chính sách xã hội.
Ngoài ra, hàng năm, Hội LHPN tỉnh cũng tổ chức ngày hội phụ nữ khởi nghiệp, và tùy theo tình hình thực tế tổ chức sự kiện kết nối kinh doanh tại TP.Cần Thơ; kết nối kinh doanh tại 4 cụm huyện: Trần Đề, Thạnh Trị, Long Phú, Châu Thành. Kết quả, hàng năm bình quân có 109 hộ nghèo do nữ làm chủ thoát nghèo và hiện còn 6% hộ gia đình hội viên nghèo.
Bà Nguyễn Thị Huệ Chi, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng cho biết, để giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế bền vững, Hội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan trong phát triển mô hình kinh tế tập thể gắn với việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả với việc tiếp tục triển khai thực hiền đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025".
Bên cạnh đó, vận động nguồn lực nâng cao năng lực cho phụ nữ. Tập trung tốt nội dung hoạt động của Dự án 8 về xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi nếp nghĩ, nếp làm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ và thông qua nhiều kệnh thông tin để giới thiệu, quảng bá sản phẩm do phụ nữ làm ra.