CÔ GÁI DÂN TỘC THỔ BỎ PHỐ VỀ QUÊ TRỒNG RỪNG, ĐƯỢC TRAO GIẢI THƯỞNG LƯƠNG ĐỊNH CỦA 2022
Về quê khởi nghiệp
Mới đây, Nguyễn Lê Ngọc Linh (SN 1990, dân tộc Thổ, trú tại huyện Như Xuân, Thanh Hóa), Giám đốc HTX "Vườn rừng bản Thổ" vinh dự là 1 trong 31 thanh niên tiêu biểu được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xét chọn và trao giải thưởng Lương Định Của năm 2022 khiến nhiều người ngưỡng mộ. Ít ai biết rằng, để có được kết quả đó là sự nỗ lực không mệt mỏi của Linh trong suốt những năm qua.
Linh cho biết, quê mình là một xã miền núi nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Mảnh đất được người ta nói "chó ăn đá, gà ăn sỏi". Trời nắng cuốc xuống đất cuốc nảy lên, trơ trọi toàn sỏi đá. Mùa mưa đất dính nhẹm, muốn có ăn, có mặc chỉ có cách thoát ly. Từ thực tế của địa phương, cha mẹ cô mong muốn Linh cố gắng học, ra đi, bám trụ ở thành phố và có một công việc tốt.
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp khoa Quan hệ Công chúng và Quảng cáo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Linh đã có công việc phù hợp với chuyên môn được đào tạo, thu nhập tốt.
Thế nhưng, mỗi lần về quê, Linh vẫn thấy đau đáu trong mình một nỗi đau, bởi những quả đồi núi trọc ngày càng nhiều, đất bỏ hoang. Ở quê chỉ có người già và trẻ thơ nheo nhóc, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám lấy bà con. Đặc biệt, câu chuyện người họ hàng của Linh phải chạy vạy khắp nơi mới đủ 2 triệu đồng để đi cấp cứu trong đêm khiến cô gái trẻ có suy nghĩ cháy bỏng: Nhất định phải có cách nào đó để những người dân địa phương sống tốt ngay trên chính mảnh đất của mình.
Câu hỏi đó khiến Linh lao vào tìm kiếm các giải pháp về nông nghiệp bền vững. Cô tìm kiếm sách, các hội nhóm về nông nghiệp để học hỏi. "Khi đó, cứ có hội nhóm nào chứa từ "nông nghiệp" là tôi tham gia. Ngày đi làm, tối thức đến 2-3h sáng lọ mọ đọc hết mọi bài viết mọi người chia sẻ. Ai chia sẻ kiến thức chi tiết, tôi nhắn tin xin kết bạn rồi tìm trang của họ đọc. Bài nào hay mình lấy giấy bút ghi chép lại các ý", Linh chia sẻ.
Năm 2018, vợ chồng Linh quyết định về quê khởi nghiệp với số vốn khoảng 1 tỷ đồng dành dụm được. Bố mẹ Linh cũng cho cô mượn 3 héc ta đất đồi để xây dựng mô hình "Vườn rừng Bản Thổ".
"Vườn rừng Bản thổ"
Với 3ha đất đồi, Linh bắt đầu đi tìm các nguồn gen thực vật bản địa nhưng kết quả không như ý muốn. Tuy nhiên, qua nhiều kênh, dần dần cô chủ động kết nối được nhiều người nên đã được gửi tặng giống để trồng.
Sau đó, Linh bắt đầu cải tạo vùng đất đồi của gia đình. Ban đầu, cô trồng cac loại cây như chuối, các cây họ đậu và để cây rừng như lát, lim, mắc khén, tiêu rừng... tái sinh lại.
Tháng 1/2019, khi đất có nhiều mùn và sinh khối hơn, Linh bắt đầu đưa thêm các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và cây dược liệu vào trồng bên cạnh cây rừng. Đây là những cây có tác dụng khôi phục lại các mạch nước ngầm dưới lòng đất.
Mặt khác, Linh trồng thêm các loài cây như dổi rừng lấy hạt, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi, cam, ổi, mít... Ngoài ra, Linh còn trồng dưới tán rừng các loài cây hoa màu, bobo, ngô để lấy nguồn nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi tại chỗ. Đồng thời, trồng các cây dược liệu như thiên môn đông, gừng, nghệ, tỏi.
Tới nay, "Vườn rừng Bản Thổ" đã phủ xanh được 3ha đồi trọc với hơn 100 loài cây. Trong đó, có hơn 50 loài cây rừng bản địa như lim, lát, dẻ, trám, mắc khén, dổi… cùng các loài cây hái quả gồm cam, quýt, bưởi và các loài dược liệu, cây nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi. Các loại cây này hoàn toàn theo canh tác hữu cơ để không gây tổn hại cho con người và hệ sinh thái tự nhiên.
Ngoài các loại cây trồng, HTX Vườn rừng Bản Thổ đã liên kết với bà con nuôi ong tại các bìa rừng. "Từ năm 2016, 2017, vấn nạn thực phẩm bẩn trở nên trầm trọng khi nhiều vụ thực phẩm bẩn bị phanh phui. Lúc đó, tôi càng mơ ước về một nơi canh tác nông nghiệp mà không khí sạch, nước sạch, đất sạch, minh bạch hoàn toàn các bước. Khi mở "Vườn rừng Bản thổ", tôi đã tiến hành nuôi ong giữ rừng để lấy mật từ nguồn nguyên liệu sạch", Linh chia sẻ.
Từ khi xác định được mục tiêu phát triển này, Linh đã liên kết với nhiều hộ nuôi ong đảm bảo tiêu chí ở trong và ngoài huyện. Tiếp đó, cô đã tự tìm tòi làm ra sản phẩm mật ong lên men, rồi kết hợp với các loại dược liệu bản địa như gừng, tỏi tía, nghệ, chùm ngây, lá bạc hà sấy lạnh… vừa là kháng sinh tự nhiên, vừa chứa nhiều Enzyme, các lợi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch của con người, vừa đảm bảo dinh dưỡng. Đồng thời, sản phẩm bán ra sẽ có nguồn thu đủ để vận hành hệ thống.
Ngoài ra, HTX cũng đã đầu tư máy móc, thiết bị để mở xưởng chế biến mật ong tại "Vườn rừng bản Thổ", như máy diệt nấm men, máy ép, máy ủ mật ong lên men,... Mật ong sau khi được cấy men sẽ được ngâm ủ cùng với những dược liệu trong chum sành không tráng men, đã khử chì rồi đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm.
Từ kinh doanh các sản phẩm mật ong lên men đã đem về thu nhập cho gia đình Ngọc Linh khoảng 500 triệu đồng/năm. Trong đo, riêng năm 2021, tổng doanh thu của HTX đạt trên 1,5 tỷ đồng. HTX đã giải quyết việc làm cho 4 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ với mức lương khoảng từ 5 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Các lao động của HTX Vườn rừng Bản Thổ đều là những phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt tại địa phương.
Bà Trương Thị Hiện, xã Hóa Quỳ cho biết, nhờ làm việc tại đây, bà đã có thu nhập ổn định 5 triệu đồng/tháng và biết trồng rừng, bảo vệ cây, không sử dụng phân hóa học. Dự định thời gian tới, bà sẽ học hỏi thêm về phương thức trồng rừng và trồng các loại cây hái quả, dược liệu để sau này về áp dụng trên diện tích đất đồi của gia đình.
Vượt qua định kiến
Để có được kết quả như hôm nay, Linh đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, vất vả, thậm chí vượt qua định kiến của những người thân.
Linh cho biết, năm 2017, khi cuộc sống gia đình đã ổn định, Linh nói với chồng về mô hình "Vườn rừng Bản Thổ". "Chưa dứt lời, chồng bảo cô bị hâm.
Khi biết con muốn trở về rừng để lập nghiệp, cô cũng không nhận được sự ủng hộ của bố mẹ hai bên khi. Tuy nhiên, Linh vẫn âm thầm hành động và hiểu rằng, bố mẹ đã khổ vì cảnh "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nên không muốn con vất vả như mình. Thậm chí, mọi người xung quanh gắn mác "hâm".
Vượt qua mọi định kiến, ngày ngày, cô gái trẻ mang theo hành trang là con dao, thêm chiếc balo đựng quần áo, cơm trưa để men vào rừng từ 6h sáng rồi trở về khi trời đã tối. Ban ngày vào rừng, tối về Linh ăn cơm vội để dành thời gian đọc tài liệu đến 3,4h sáng. Cô cũng có mặt trong các hội nhóm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thuận tự nhiên để tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm. Cuối tuần, Linh dành thời gian để thăm các mô hình trang trại và đi học thêm về chế biến thực phẩm, vi sinh, thiết kế cây trồng.
Tuy rất nhiều thử thách nhưng hiện mô hình của Linh vẫn đang phát triển đi lên. Trong đó, cô gái trẻ đang nỗ lực xây dựng nhà xưởng để chế biến các nông sản như mật ong lên men và các đặc sản địa phương như hạt dổi, mắc khén...
Đến nay, dự án Vườn rừng Bản Thổ của Linh được nhiều người biết đến và ủng hộ, cô cũng được tiếp đón nhiều đoàn khách đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp. Tuy nhiên, Linh cho biết, hiện nay mới chỉ là giai đoạn 1. Ở giai đoạn 2, mô hình Vườn rừng Bản Thổ tập trung vào khai thác yếu tố văn hóa, du lịch, hoàn thiện cơ sở vật chất, liên kết đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào mô hình du lịch văn hóa. Từ đó, góp phần vào khôi phục, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa cổ truyền có nguy cơ mai một, đồng thời mang lại đời sống tốt hơn cho bà con địa phương.
Để mở rộng sản xuất, Linh đã đề xuất Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho vay nguồn vốn khởi nghiệp để mở một xưởng chế biến nông sản lớn trên địa bàn và thực hiện trồng thêm 4 hécta "Vườn rừng Bản Thổ" tại huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa).
Anh Lê Văn Hiếu, Bí thư Huyện Đoàn Như Xuân cho biết, Nguyễn Lê Ngọc Linh là một gương thanh niên khởi nghiệp xuất sắc tại địa phương. Mô hình Vườn rừng Bản Thổ của Linh được Huyện Đoàn Như Xuân rất quan tâm, thường xuyên tổ chức đưa các đoàn viên thanh niên đến tham quan và học tập.
Linh Trần (thực hiện)
Xuất bản: 06/11/2022