'Soi' những môn học mới xuất hiện từ năm học tới

13/04/2017 - 10:21
Một số môn học mới sẽ xuất hiện trong chương trình phổ thông mới, bắt đầu thực hiện từ năm học 2018 - 2019 theo hướng giảm tải kiến thức, tăng trải nghiệm sáng tạo và có định hướng nghề nghiệp.

Môn Giáo dục kinh tế và pháp luật

Đây là môn học sẽ xuất hiện ở cấp THPT. Theo lý giải của ban soạn thảo chương trình, thực chất đây là tên gọi mới của môn Giáo dục công dân (môn học này cũng được đổi tên thành Giáo dục lối sống ở cấp tiểu học).

Sở dĩ môn học này được đổi tên là bởi Bộ GD&ĐT muốn tập trung nội dung trọng tâm của môn học là các vấn đề về kinh tế, pháp luật để định hướng nghề nghiệp cho học sinh cấp THPT muốn lựa chọn khối ngành nghề liên quan đến các lĩnh vực này.

Môn học này thuộc hệ thống các môn tự chọn bắt buộc đối với học sinh lớp 11 và 12 (là môn mà học sinh bắt buộc phải lựa chọn một trong các môn học định hướng nghề).

 Môn giáo dục công dân được đổi tên thành Giáo dục lối sống ở cấp tiểu học. Ảnh: D.H

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo

Thực chất, đây là phần thực hành của một số môn học (theo cách học cũ). Điểm mới của hoạt động này là thay vì diễn ra độc lập theo từng môn, hoạt động sẽ có tính tích hợp, có sự tổng hợp kiến thức để giải quyết các hiện tượng, vấn đề của đời sống.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới, cho biết, thực tế nhiều trường đã tạo ra hoạt động này khá hiệu quả. “Ví dụ hoạt động trồng cây, học sinh cần phân tích thổ nhưỡng, thời tiết, loại cây, loại giàn phù hợp. Ngày hội STEM cũng là một hoạt động mang tính chất trải nghiệm theo tiêu chí này”, ông khẳng định.

Mỹ thuật, âm nhạc cấp THPT

Đây sẽ là môn học chính khóa với 3 tiết/tuần. Môn này thuộc hệ thống môn bắt buộc tự chọn, cũng với mục đích định hướng nghề nghiệp cho học sinh đam mê và có năng khiếu với hội họa, âm nhạc.

 Học sinh sẽ chính thức được học môn Âm nhạc ở cấp THPT. Ảnh minh họa

Chuyên đề học tập

Lần đầu tiên, học sinh lớp 11, 12 sẽ được lựa chọn một trong các chuyên đề học tập. Đây là những nội dung học tập có tính tích hợp ứng dụng, liên quan đến kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử của địa phương.

Mỗi chuyên đề sẽ có 15 tiết học trong 1 tuần.

Ngoại ngữ 2

Tiếng Anh là ngoại ngữ 1 và là môn học bắt buộc, trong khi đó Ngoại ngữ 2 là môn tự chọn với danh sách mở. Điều kiện để tổ chức dạy và học môn này là các trường đã có sẵn chương trình, có sách giáo khoa và giáo viên.

Là môn học tự chọn nên phụ thuộc vào nguyện vọng của học sinh hoặc năng lực của các trường. Học sinh có thể bắt đầu học tự chọn Ngoại ngữ 2 từ lớp 6 và có thể kết thúc bất kỳ lúc nào theo nguyện vọng của mình.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, môn học này nhằm đáp ứng nhu cầu của các em có năng khiếu, hay những học sinh thấy khó có khả năng thi vào ĐH khối có tiếng Anh có thể thi khối khác liên quan đến tiếng Trung, Nhật... Học sinh ở vùng có quan hệ kinh tế với nước ngoài nhiều cũng có thể học, ví dụ vùng biên giới giáp với các quốc gia như Trung Quốc, Campuchia, Lào...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm