Song thị là gì? Cần làm gì khi mắt bị chứng song thị?

Thùy Dung
06/09/2021 - 08:23
Song thị là gì? Cần làm gì khi mắt bị chứng song thị?
Có nhiều loại bệnh nguy hiểm về mắt, trong đó có song thị. Đây là một trong những triệu chứng khó chịu và nguy hiểm đối với “cửa sổ tâm hồn” của con người.

Trên thực tế có rất nhiều người đang thắc mắc rằng Song thị là gì?, vì thực ra căn bệnh này không quá phổ biến trong cuộc sống của con người. Tuy nhiên, song thị gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầm nhìn và gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt, công việc của người bệnh.

1. Song thị là gì?

Theo y học, song thị còn gọi là chứng Diplopia, xảy ra khi con người nhìn vào một vật nhưng lại thấy hai ảnh của vật, dù người ấy nhìn bằng cả hai mắt hay chỉ một mắt.

Đây là tật về mắt rất nguy hiểm khi mắc phải bởi nó gây nhầm lẫn về nhận thức với mọi vật trong cuộc sống (chỉ có một mà lại nhìn ra hai)

Bệnh song thị được xếp vào chứng bệnh nguy hiểm ở mắt nhưng không tái đi tái lại.

2. Phân loại song thị

Có 2 loại song thị là song thị một mắt và song thị hai mắt.

Song thị một mắt thì khi nhắm một mắt, mắt còn lại vẫn thấy hai ảnh của vật, còn song thị hai mắt thì chỉ nhìn một thành hai khi nhìn vật bằng cả hai mắt.

Biểu hiện của song thị còn có hai dạng là song thị ngang (hai hình ảnh của vật ở cạnh nhau) và song thị đứng  hai hình ảnh của vật đè chồng lên nhau).

Ngoài ra còn có trường hợp song thị tạm thời. Đây là trường hợp xảy ra khi bệnh nhân bị nhiễm độc rượu, thuốc benzodiazepin, opioid hoặc một số loại thuốc điều trị co giật, thuốc độc động kinh. Các chấn thương ở đầu (như chấn động não)  cũng có thể gây ra song thị tạm thời.

Khi đôi mắt mệt mỏi hay cơ thể cảm thấy căng thẳng cũng có thể xuất hiện chứng song thị, sau đó thị lực sẽ trở lại bình thường. Trong trường hợp mà thị lực của người bệnh không hồi phục, hãy đến cơ sở y tế để khám và điều trị càng sớm càng tốt.

3. Những dấu hiệu thường gặp khi bị song thị

Như đã nói ở trên: song thị là một bệnh ở mắt, dạng tật khúc xạ làm con người sẽ nhìn thấy hai ảnh khi chỉ nhìn vào một vật. Khi nhìn, người bệnh có thể thấy hai ảnh này bị chồng lên nhau hoặc bên cạnh nhau, thậm chí hình ảnh nhìn thấy có thể vừa ở bên cạnh, lại vừa nằm chồng lên nhau.

Song thị là gì? Cần làm gì khi mắt bị chứng song thị? - Ảnh 1.

Hình ảnh thấy được bị chồng lên nhau ở người mắc song thị - Ảnh: Internet

Khi  muốn nhìn một vật, não bộ của con người sẽ truyền tín hiệu qua các dây thần kinh, điều khiển cơ mắt, hướng mắt đến vật đó, thu nhận hình ảnh và gửi lại về não. Đó là cách mắt nhìn mọi vật xung quanh. Các dây thần kinh 3, 4, 6 điều khiển chủ yếu hoạt động của mắt.

Nếu một người bị mắc tật song thị, nhóm dây thần kinh này hay các cơ của mắt bị yếu, bị tổn thương dẫn đến việc không điều khiển được mắt đúng cách. Ảnh của vật không được hội tụ tại điểm vàng trên võng mạc nên nhận được hai ảnh thay vì một ảnh như bình thường.

Các dây thần kinh và cơ mắt bị giảm chức năng có thể do bị chấn thương liên quan đến vùng mắt, gãy xương hốc mắt khiến cơ bị kẹt vào, các khối u hoặc vết sưng chèn ép. Những bệnh lý khác cũng có thể ảnh hưởng gây ra tật song thị như tiểu đường, rối loạn chức năng tuyến giáp, nhược cơ, nhãn giáp hay nhiễm siêu vi...

Người bị song thị sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu, nhức đầu choáng váng. Việc đi lại bị cản trở rất nhiều, thậm chí gây nguy hiểm do ảnh ảo khiến người bệnh không xác định khoảng cách của các vật.

Người bị song thị không thể tham gia giao thông vì điều này cực kì nguy hiểm cho bản thân người bệnh và tất cả những người đi đường. Ngoài ra, sinh hoạt hàng ngày và công việc của bệnh nhân cũng gặp nhiều rắc rối. 

4. Những nguyên nhân gây ra song thị

4.1. Nguyên nhân

Song thị là một chứng có thể do bẩm sinh, di truyền. Bình thường bị mắc song thị có khả năng cao là do gặp các chấn thương, do các bệnh lý ảnh hưởng tới thần kinh và cơ hoặc các bệnh về mắt trực tiếp ảnh hưởng.

Song thị một mắt hay hai mắt có thể do các nguyên nhân khác nhau gây ra.

- Nguyên nhân gây ra song thị một mắt: do loạn thị, viêm giác mạc, đục thủy tinh thể, bệnh giác mạc chóp, điểm vàng - võng mạc bị tổn thương, thoái hóa.

Song thị là gì? Cần làm gì khi mắt bị chứng song thị? - Ảnh 2.

Song thị một mắt và hai mắt do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra - Ảnh: Internet

- Nguyên nhân gây ra song thị hai mắt: Có thể do nhiều nguyên nhân hơn và cũng rất nguy hiểm như lác mắt; chấn thương đầu, vùng mắt và não bộ bị tổn thương; hệ thần kinh bị ảnh hưởng, liệt dây thần kinh, bệnh đa xơ cứng (ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương); phình động mạch, đột quỵ, thiếu máu não, huyết áp cao, tắc nghẽn động mạch; ung thư, có khối u chèn ép cơ và dây thần kinh ở mắt... làm thị lực sụt giảm nhanh chóng.

Sau khi phẫu thuật khúc xạ, một số ít trường hợp cũng có thể xuất hiện song thị. Khi các thay đổi giác mạc không đều nhau làm cho ánh sáng từ vật đi qua giác mạc không tập trung chính xác tại võng mạc.

Ngoài những nguyên nhân trên thì để mắt căng thẳng, mệt mỏi cũng có thể dẫn đến song thị tạm thời. Nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài thì cần phải đi khám ngay

4.2. Đối tượng nguy cơ 

Những đối tượng có nguy cơ bị bệnh song thị là:

- Người có mắt thường bị khô, ít tiết nước mắt

- Người mắc bệnh nhược cơ

- Người bị đục thủy tinh thể

- Người bệnh tiểu đường

- Người bị rối loạn chức năng tuyến giáp

- Người bị chấn thương sọ não, Khối u não và ung thư

- Người bị đột quỵ hoặc thỉnh thoảng có cơn thiếu máu não thoáng qua

5. Phương pháp điều trị bệnh song thị

Muốn điều trị được song thị, trước tiên cần xác định rõ bị mắc song thị một mắt hay hai mắt. Có thể điều trị bằng thuốc, phẫu thuật hay các phương pháp khác nhau. Tiến hành chụp cắt lớp, đôi mắt cần khám kĩ càng để nhận định chính xác rồi tiến hành điều trị. 

5.1. Điều trị song thị một mắt

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến song thị và mỗi trường hợp đều có các điều trị cụ thể.

- Do mắt bị khô: Đôi mắt rất nhạy cảm, khi mắt mỏi, căng thẳng có thể dẫn đến khô mắt ảnh hưởng đến sức khỏe đôi mắt và thị lực. Dùng thuốc nhỏ mắt là đã có thể cải thiện tình trạng này. Bên cạnh đó bạn cần biết bảo vệ, chăm sóc mắt và nghỉ ngơi hợp lý.

- Do loạn thị: Người bị loạn thị giác mạc hay thủy tinh thể có hình dạng, độ cong không đều. Để khắc phục, biện pháp đơn giản, thông thường là sử dụng kính gọng, kính áp tròng phù hợp với mắt để giúp mắt có thể thu nhận hình ảnh như bình thường. Nếu muốn điều trị tận gốc thì có thể phẫu thuật, sử dụng laser điều chỉnh cho giác mạc có hình dạng chuẩn.

- Do đục thủy tinh thể: độ trong suốt của thủy tinh thể mắt đi, dần mờ đục, cản trở ánh sáng truyền vào mắt, khiến mắt bị mờ thậm chí mù lòa. Với tình trạng này cần phẫu thuật để đôi mắt có trạng thái tốt hơn

5.2. Điều trị song thị hai mắt

Với các nguyên nhân gây ra song thị hai mắt ta cũng có thể dùng kính để khắc phục, phẫu thuật, đeo miếng che mắt, tập luyện cho mắt và các cách điều trị khác. 

Song thị là triệu chứng có thể thuyên giảm và mắt sẽ hồi phục sau một khoảng thời gian. Thông thường sẽ theo dõi trong khoảng 6 tháng, nếu song thị chưa mất đi thì sẽ tiến hành phẫu thuật, điều chỉnh lại cơ vận nhãn trong mắt. 

Cách chăm sóc mắt để sớm phục hồi sau khi phẫu thuật song thị:

Dù phải phẫu thuật nhưng thời gian hồi phục sau khi phẫu thuật song thị của mắt khá nhanh. Ngay trong tuần đầu tiên phẫu thuật xong, bệnh nhân đã có thể sinh hoạt và làm việc trở lại.

Song thị là gì? Cần làm gì khi mắt bị chứng song thị? - Ảnh 3.

Đôi mắt sẽ nhanh chóng phục hồi trở lại sau khi được phẫu thuật song thị - Ảnh:Internet

Tuy nhiên, bệnh nhân sau phẫu thuật cần nhớ kĩ:

- Sử dụng thuốc nhỏ mắt theo chỉ định của bác sĩ trong một tháng đầu tiên.

- Không đi bơi, đi biển, nước ở đây khá bẩn đối với mắt vừa phẫu thuật, có thể gây nhiễm trùng. Tránh hoạt động mạnh, ngừng chơi thể thao từ 10 - 20 để không ảnh hưởng đến mắt, cho mắt được nghỉ ngơi chóng hồi phục.

- Liên tục tự theo dõi và đi khám lại tại các cơ sở y tế khi đến hẹn, để các y bác sĩ chuyên khoa kiểm tra kết quả của việc phẫu thuật và sức khỏe hiện tại của đôi mắt.

6. Những phương pháp phòng tránh bệnh song thị

Phòng ngừa bệnh Song thị phụ thuộc vào việc ngăn ngừa các nguyên nhân gây tổn thương tầm nhìn cơ bản.

- Giữ độ ẩm tốt cho đôi mắt, làm dịu mắt khô: Khi mắt bớt khô sẽ ngăn ngừa được tầm nhìn đôi. Bệnh nhân hãy cố gắng giảm thiểu căng thẳng mắt, hạn chế sử dụng điện thoại, máy tính, tránh xem ti vi trong thời gian dài để giảm thiểu khô mắt.

- Ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể: Cần giữ cho đôi mắt khỏe mạnh, tránh để mắc bệnh đục thủy tinh thể. Bởi căn bệnh này sẽ kéo theo chứng song thị. Cần đeo kính râm mỗi khi ra ngoài nắng, ăn uống lành mạnh và tránh xa khói thuốc lá.

 - Kiểm soát bệnh tiểu đường: Cần điều trị bệnh tiểu đường để giảm nguy cơ mắc bệnh nhìn đôi. Người bệnh cần có chế độ ăn uống lành mạnh, giảm chất đường bột, tập thể dục thường xuyên để duy trì trọng lượng cơ thể. Khi bệnh tiểu đường được đẩy lùi thì sẽ phòng tránh được bệnh song thị.

- Bảo vệ chấn thương đầu: Hãy đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông khi đi xe mô tô, xe gắn máy, thắt dây an toàn trong xe ô tô, đội mũ và đeo kính bảo hộ khi lao động, sử dụng máy móc lớn và trong quá trình chơi thể thao

7. Chế độ ăn uống cho người bị song thị

Theo lời khuyên của các bác sĩ nhãn khoa, những bệnh nhân mắc bệnh song thị cần xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, lành mạnh.

Người bệnh nên ăn nhiều loại thực phẩm sau:

- Các loại rau xanh, nhất là những loại rau có màu xanh đậm như rau chân vịt (còn gọi là rau cải bó xôi, rau bina), cải xoăn...

Song thị là gì? Cần làm gì khi mắt bị chứng song thị? - Ảnh 4.

Những loại rau có màu xanh đậm rất tốt cho người bị song thị - Ảnh: Internet

- Các loại thực phẩm có chứa vitamin A, C, E, kẽm, B12… 

- Đặc biệt là nhóm chất làm chậm quá trình lão hóa, chống phá gốc tự do ở mắt như tutein, zeaxanthin, alpha lipoic acid… giúp đôi mắt sáng khỏe.

8. Những câu hỏi thường gặp

8.1. Bệnh song thị có di truyền không, có truyền nhiễm không?

Bệnh song thị không di truyền, và không phải là bệnh truyền nhiễm, không lây từ người này sang người khác dưới bất kì hình thức nào.

8.2. Người bị song thị có tự chữa được không? 

Song thị là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý tại mắt cũng (loạn thị, lác, đục thủy tinh thể, tiểu đường, tổn thương não,...) vì thế bệnh nhân không thể tự chữa trị mà cần sự can thiệp của các bác sĩ chuyên khoa.

8.3. Bệnh song thị có chữa khỏi hoàn toàn được không?

Song thị là bệnh có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, càng để lâu sẽ càng khó điều trị, vì thế các bệnh nhân cần đi khám ngay khi có những dấu hiệu nhìn đôi để được điều trị kịp thời.

Vậy là bài viết đã giúp bạn giải đáp tất tần tật quanh câu hỏi Song thị là gì? Cần làm gì khi mắt bị chứng song thị?. Ngay khi thấy mắt bắt đầu có những biểu hiện khác thường, nghi ngờ mình mắc chứng song thị, cần chủ động đi khám và cố gắng chữa trị để bệnh sẽ được chữa khỏi hoàn toàn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm