pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sốt bao nhiêu độ thì uống thuốc hạ sốt? Khi nào cần đến bác sĩ?
Sốt là vấn đề sức khỏe rất phổ biến có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, sốt làm cho thân nhiệt cơ thể tăng lên, đây là dấu hiệu của sự nhiễm trùng. Thế nhưng để xử lý sốt đúng cách thì không phải ai cũng biết. Vậy sốt bao nhiêu độ thì uống hạ sốt?
1. Sốt bao nhiêu độ thì uống thuốc hạ sốt?
Thông thường cơ thể người sẽ có nhiệt độ thân nhiệt trong khoảng từ 36,1⁰C cho tới khoảng 37,2⁰C. Sốt là hiện tượng thân nhiệt của cơ thể tăng lên bất thường. Sốt thường là dấu hiệu của sự nhiễm trùng, cơ thể miễn dịch nhằm chống lại sự xâm nhập của các loại virus, vi khuẩn.
Sốt có thể được chia ra làm 3 cấp độ sốt khác nhau:
- Sốt nhẹ với nhiệt độ thân nhiệt trong khoảng 37-38⁰C
- Sốt ở mức trung bình với nhiệt độ thân nhiệt có thể khoảng 38,1⁰C - dưới 39⁰C
- Sốt cao (mức cảnh báo), khi thân nhiệt cơ thể đạt mức trên 39⁰C-40⁰C
(Trường hợp người bệnh có thể sốt cao hơn nữa trên 40⁰C thì lúc này là mức nguy hiểm, bệnh nhân cần được cấp cứu kịp thời).
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, dù là trẻ em hay người lớn, sốt từ 38,5⁰C trở lên mới nên sử dụng thuốc hạ sốt. Bởi khi cơ thể bị tấn công do một loại virus, vi khuẩn nào đó, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ truyền tín hiệu lên não bộ, điều chỉnh thân nhiệt của cơ thể tăng lên nhằm ngăn chặn những tác nhân gây hại này. Vì vậy nếu cơ thể với nhiệt độ dưới 38⁰C, lúc này đang là lúc cơ thể có phản ứng miễn dịch.
Sốt có thể kéo dài 2-3 ngày tùy vào từng thể trạng của cơ thể khác nhau. Nếu sốt dưới 38⁰C nhưng cơ thể không có ảnh hưởng quá mức như mệt mỏi, li bì hay co giật thì không cần quá lo lắng.
2. Sốt nhẹ dưới 38⁰C nên làm gì?
Khi cơ thể sốt ở thể nhẹ dưới 38⁰C, lúc này chưa nên sử dụng thuốc hạ sốt. Để giúp cơ thể giảm nhiệt có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây:
2.1. Sử dụng khăn chườm
Chườm là cách để hạ nhiệt trong thời gian ngắn, phương pháp này được rất nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, cách hạ sốt này chỉ nên áp dụng trong trường hợp sốt do các yếu tố bên ngoài gây lên như: đi nắng quá lâu, sốc nhiệt, thay đổi môi trường bất ngờ…
2.2. Uống nhiều nước và điện giải
Sốt với thân nhiệt cao sẽ làm tăng nguy cơ gây mất nước cho cơ thể nhanh hơn. Vì vậy cơ thể cần được bù lại lượng nước đã mất đi bằng cách uống nhiều nước. Khi bổ sung nước sẽ giúp cơ thể dịu hơn, bù đắp được lượng nước đã mất đi. Ngoài ra, có thể sử dụng dung dịch điện giải để phục hồi hệ miễn dịch được tốt hơn.
2.3. Bổ sung Vitamin C
Nên bổ sung các loại nước hoa quả, trái cây có chứa nhiều vitamin C như bưởi, quýt, cam… giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch, giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi.
2.4. Cần thời gian nghỉ ngơi
Sốt thường sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, đau đầu, khó chịu. Vì vậy, người bị sốt cần có thời gian nghỉ ngơi theo mong muốn. Không cố gắng làm việc nặng nhọc khi vẫn còn sốt, mệt mỏi, có thể làm việc nhẹ nhàng hoặc đi lại cho thoải mái.
3. Sai lầm khi hạ sốt nhanh tại nhà
Nhiều người thực hiện cách hạ sốt sai cách có thể gây hại đến sức khỏe. Dưới đây là một số sai lầm phổ biến khi hạ sốt tại nhà:
3.1. Tự ý sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều các loại thuốc hạ sốt khác nhau, thông thường chúng ta hay sử dụng loại thuốc hạ sốt paracetamol, ưu điểm của loại này là có tác dụng nhanh, ít gây biến chứng, dễ sử dụng.
Thế nhưng sai lầm của rất nhiều người là tự ý kết hợp các loại thuốc hạ sốt giảm đau với nhau để giúp nhanh khỏi bệnh. Tuy nhiên, hành động này có thể gây ra một số tác dụng phụ của thuốc.
Vậy nên, khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ.
3.2. Đắp chăn, mặc nhiều quần áo
Khi sốt đắp chăn và mặc quá nhiều quần áo sẽ khiến thân nhiệt cơ thể càng tăng cao và khó hạ sốt. Vì vậy, khi sốt mọi người không nên đắp nhiều chăn, mặc ít quần áo, hãy mở cửa thông thoáng, nếu sử dụng quạt không nên để thốc trực tiếp vào người bệnh.
3.3. Chườm lạnh bằng túi nước đá, lau khăn lạnh
Nhiều trường hợp nghĩ rằng chườm lạnh bằng túi nước đá sẽ làm nhiệt độ giảm nhanh hơn, đây là quan niệm sai lầm khi hạ sốt nhanh. Khi chườm lạnh bằng túi nước đá sẽ làm co mạch khiến nhiệt độ không thể thoát ra ngoài qua lỗ chân lông.
Điều này không những không hạ sốt mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Có thể gây ra tình trạng bỏng lạnh.
4. Sốt khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Trong trường hợp sốt mà người bệnh có xuất hiện một số các trường hợp sau đây thì cần đến cơ sở y tế để để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời:
- Sốt kèm hiện tượng khó thở, đau ngực
- Xuất hiện tình trạng đau đầu giữ dội, liên tục không giảm
- Nhầm lẫn hoặc kích động
- Có hiện tượng đau bụng, nôn nhiều lần, tiêu chảy
- Khô miệng, nước tiểu giảm, có màu sẫm
- Khó nuốt, nuốt đau khó chịu dù là ăn cháo
- Một số trường hợp bất thường nào khác của cơ thể mà bạn thấy lo ngại
Trên đây là những giải đáp cho vấn đề "Sốt bao nhiêu độ thì uống thuốc hạ sốt". Để hạ sốt và đảm bảo sức khỏe cho người bệnh, các bạn nên tuân thủ dùng thuốc hạ sốt của bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn. Bù nước, dinh dưỡng đầy đủ là điều cần thiết để tăng cường sức đề kháng, giúp người bệnh mau khỏi.