pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sốt xuất huyết kiêng gì? Những điều tuyệt đối tránh khi bị sốt xuất huyết
- 1. Sốt xuất huyết kiêng gì?
- 1.1. Kiêng ăn thực phẩm màu sẫm
- 1.2. Kiêng các loại đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ
- 1.3. Kiêng đồ ngọt
- 1.5. Kiêng sử dụng các loại chất kích thích như trà, cà phê, thuốc lá, bia, rượu
- 1.6. Không được dùng thuốc bừa bãi khi bị sốt xuất huyết
- 1.7. Kiêng tắm nước lạnh và ra ngoài gió
- 2. Người bị sốt xuất huyết nên ăn gì?
Sốt xuất huyết dengue không còn là bệnh xa lạ với người dân Việt Nam mỗi mùa hè, mùa mưa ẩm hàng năm. Đây là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus dengue gây ra với tác nhân truyền bệnh là muỗi vằn aedes. 80 - 90% bệnh nhân có thể được điều trị khỏi tại nhà trong khoảng 3 - 7 ngày mắc bệnh.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp sốt xuất huyết tử vong do không được cứu chữa kịp thời khi có những biểu hiện cảnh báo và không thực hiện đúng hướng dẫn điều trị tại nhà, không nắm rõ sốt xuất huyết kiêng gì, sốt xuất huyết nên ăn gì …
1. Sốt xuất huyết kiêng gì?
1.1. Kiêng ăn thực phẩm màu sẫm
Trong suốt thời gian bị sốt xuất huyết, người bệnh nên kiêng ăn các thực phẩm có màu sẫm (nâu, đỏ, đen) như cà chua, dâu, cà phê, nước ngọt sẫm màu, củ dền, thanh long đỏ.... Vì nếu ăn các thực phẩm này sẽ làm cho nước tiểu và phân của người bệnh có màu thẫm hơn bình thường, do đó bác sĩ sẽ dễ bị nhầm lẫn và chẩn đoán nhầm triệu chứng xuất huyết đường tiêu hóa.
Trong suốt thời gian bị sốt xuất huyết, người bệnh nên kiêng các loại thực phẩm có màu sẫm như dâu, thanh long đỏ, cà chua, nước ngọt có màu, cà phê (Nguồn ảnh: Internet)
1.2. Kiêng các loại đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ
Ở giai đoạn vừa mới khỏi bệnh, người bệnh thường có cảm giác thèm ăn trở lại. Tuy nhiên, không phải vì thế mà cho người bệnh ăn các loại đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ như các loại thức ăn nhanh, đồ chiên xào, đồ nướng. Những loại thức ăn này tuy ngon miệng nhưng lại gây đầy bụng, khó tiêu khiến người bệnh chậm phục hồi. Bên cạnh đó, ăn đồ cay nóng sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nên kiêng các loại đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ (Nguồn ảnh: Internet)
Lưu ý: Khi bị sốt xuất huyết, sức đề kháng của người bệnh bị giảm sút đi rất nhiều. Do đó, người bệnh nên ăn các loại thức ăn dinh dưỡng để giúp tăng cường lại sức đề kháng.
1.3. Kiêng đồ ngọt
Người bị sốt xuất huyết không nên sử dụng đồ ngọt như nước ngọt, bánh ngọt, đường, mật ong,.... Vì khi đường hấp thu vào cơ thể sẽ làm các tế bào bạch cầu trở nên chậm chạp hơn. Do đó mà bệnh cũng sẽ lâu khỏi hơn.
Người bị sôt xuất huyết không nên ăn đồ ngọt như nước ngọt, bánh ngọt, đường, mật ong,... (Nguồn ảnh: Internet)
1.4. Kiêng các thực phẩm giàu protein
Khi bị bệnh, người bệnh tuyệt đối không sử dụng những thực phẩm giàu protein, tiêu biểu nhất là trứng. Lý do là protein sau khi hấp thụ vào cơ thể sinh ra lượng nhiệt khá lớn khiến những người bị sốt có thể bị sốt cao hơn.
Nếu trẻ em bị sốt xuất huyết mà lại ăn trứng thì lượng nhiệt sản sinh trong cơ thể sẽ chỉ tăng lên mà không được phát tán ra bên ngoài, do đó có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm.
Người bị sốt xuất huyết nên kiêng các thực phẩm giàu protein, đặc biệt nhất là trứng (Nguồn ảnh: Internet).
1.5. Kiêng sử dụng các loại chất kích thích như trà, cà phê, thuốc lá, bia, rượu
Sử dụng những loại chất kích thích trên sẽ khiến cơ thể mệt mỏi hơn do đó làm chậm quá trình phục hồi của người bệnh. Thay vì sử dụng chất kích thích, người bệnh nên bổ sung nước ép hoa quả để giúp làm tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Người bệnh không nên sử dụng các loại chất kích thích như cà phê, trà, thuốc lá, bia rượu,... (Nguồn ảnh: Internet)
1.6. Không được dùng thuốc bừa bãi khi bị sốt xuất huyết
Một bộ phận không nhỏ người dân có thói quen dùng thuốc tùy tiện khi chưa thăm khám và có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, nhất là tình trạng tùy tiện sử dụng thuốc kháng sinh. Với bệnh sốt xuất huyết cũng vậy, không ít người cho rằng chỉ cần dùng vài liều kháng sinh, hạ sốt là có thể chữa khỏi bệnh.
Nhưng đây lại là điều tuyệt đối cấm kị. Theo Bộ y tế khuyến cáo, khi bị sốt do sốt xuất huyết, chỉ được dùng duy nhất loại thuốc hạ sốt paracetamol đơn chất đối với cả trẻ em và người lớn. Liều dùng thuốc được quy định cụ thể dựa trên trọng lượng cơ thể người bệnh. Tuyệt đối không được sử dụng thuốc hạ sốt có chứa aspirin và ibuprofen sẽ làm cho tình trạng xuất huyết đến sớm và nguy hiểm hơn.
Bên cạnh đó thuốc kháng sinh cũng nằm trong danh sách sốt xuất huyết kiêng gì. Bệnh sốt xuất huyết do virus dengue gây ra, thuốc kháng sinh chỉ tiêu diệt và ức chế được vi khuẩn, không có tác dụng tiêu diệt virus. Vì vậy, việc sử dụng thuốc kháng sinh khi bị sốt xuất huyết chỉ càng làm gây áp lực lên gan, thận, khiến chức năng gan, thận bị ảnh hưởng xấu.
Khi bị bệnh, người bệnh không nên dùng thuốc bừa bãi. (Nguồn ảnh: Internet)
1.7. Kiêng tắm nước lạnh và ra ngoài gió
Thời gian bị sốt xuất huyết có thể kéo dài đến 2 tuần. Thông thường, các triệu chứng xuất huyết ở niêm mạc hoặc dưới da có thể xảy ra vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3 trong thời gian phát bệnh. Các dạng phát ban này có thể xuất hiện khắp cơ thể người bệnh. Do đó, người bệnh cần ở nhà nghỉ ngơi, tránh ra gió và kiêng tắm nước lạnh để hạn chế tình trạng co mạch ngoài da, giãn mạch nội tạng gây nguy hiểm đến tính mạng.
Người bệnh chỉ nên lau người bằng nước ấm, vệ sinh cá nhân càng nhanh càng tốt để tránh làm tình trạng xuất huyết trầm trọng hơn.
2. Người bị sốt xuất huyết nên ăn gì?
Khi bị sốt xuất huyết, cơ thể người bệnh sẽ thay đổi vị giác đi rất nhiều, do đó người bệnh sẽ cảm thấy đắng miệng, không có cảm giác muốn ăn cơm như bình thường. Vì vậy, cần cho người bệnh ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như các món hầm, súp, cháo. Súp rau quả hay cháo ngũ cốc là những loại thức ăn rất dễ tiêu hóa, ngoài ra những loại thức ăn này còn bổ sung chất xơ cũng như các loại dinh dưỡng cần thiết khác cho cơ thể.
Khi bị sốt, cơ thể người bệnh sẽ bị mất nước. Do đó, việc bù nước và điện giải cho người bệnh đóng vai trò hết sức quan trọng. Người nhà có thể thực hiện việc đó thông qua các biện pháp sau:
- Cho người bệnh uống nhiều nước: sử dụng nước đun sôi để nguội hoặc các loại nước tinh khiết đóng chai. Pha 1 gói oresol đúng liều lượng với nước lọc để người bệnh uống dần. Ngoài ra, nên cho người bệnh uống thêm sữa để vừa bổ sung nước lại vừa có thêm chất dinh dưỡng.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nên uống nhiều các loại nước trái cây để giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn. (Nguồn ảnh: Internet)
- Cho người bệnh uống nước ép trái cây: Các loại nước ép trái cây, rau, củ, quả như dứa, cam, đu đủ, ổi… rất giàu vitamin A và C giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn, tăng cường khả năng miễn dịch. Do đó, người bệnh có thể uống bổ sung những loại nước ép trái cây này thay cho nước lọc thông thường.