Suốt mấy ngày qua, căn nhà nhỏ của chị Dung ở khu đô thị Pháp Vân (Hà Nội) lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Vừa trải qua quá trình sinh mổ, lại liên tục phải tiếp khách nhưng chị Dung không giấu nổi niềm hạnh phúc. Chị bảo, tất cả được làm nên từ một tình yêu diệu kỳ.
Người thân chăm sóc 2 cháu bé
Chị Dung và anh Hồ Sỹ Ngọc chơi với nhau từ ngày còn học THPT ở TP Vinh (Nghệ An). Năm 1999, cả 2 cùng thi đỗ vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tình yêu của họ bình dị, giản đơn nhưng ngập tràn hạnh phúc. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị Dung sang Pháp học cao học, rồi làm nghiên cứu sinh. Năm 2009, chị về nước và hai người tổ chức đám cưới. Lúc mang bầu, chị phải sang Pháp để bảo vệ luận án tiến sĩ, khi về nước, chị sinh con gái đầu lòng.
Song, hạnh phúc ngắn chẳng tày ngang, khi con gái của họ được 6 tháng tuổi thì anh Ngọc qua đời sau một tai nạn giao thông. Trong đau đớn tột cùng, chị Dung nghĩ phải làm một điều gì đó, giữ thêm lại hình ảnh của chồng. Chị nhanh chóng tìm hiểu thông tin và liên hệ với bác sĩ Lê Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, nhờ lấy tinh hoàn của chồng và bảo quản tại bệnh viện.
Khi biết chị Dung có quyết định đó, ai cũng can ngăn. Có người bảo chị còn trẻ, có thể đi bước nữa. Mặt khác, chị với anh Ngọc đã có với nhau 1 đứa con, liệu có nhất thiết phải làm như vậy không? Song, chị Dung vẫn quyết thực hiện ý định của mình. Mãn tang chồng, đầu năm 2013, chị thực hiện ca thụ tinh trong ống nghiệm bằng tinh trùng của anh Ngọc. Lần cấy trứng đầu tiên, chị thất bại do kích trứng quá mức, buộc phải đưa phôi trở lại kho đông lạnh, chờ “hồi” mới tiếp tục làm lần 2. Rút kinh nghiệm, lần 2 đã thành công mỹ mãn. Sau thời gian mang thai, chị đã hạ sinh 2 bé trai. Một bé nặng 2,4kg và một bé nặng 2,9kg.
Thắp niềm hy vọng
Bác sĩ Lê Văn Vệ kể: “Ngày 20/3/2010, chị Dung đề nghị bệnh viện đến lấy tinh trùng từ người chồng bị tai nạn giao thông. Khi chúng tôi đến nơi, chồng chị đã mất được 6 tiếng, thi thể đã lạnh ngắt”. Được sự đồng ý của gia đình, bác sĩ Vệ rạch lấy túi tinh hoàn bên phải của nạn nhân, chia làm 14 mẫu và lưu giữ ở nhiệt độ âm 1960C tại ngân hàng tinh trùng của bệnh viện. Lúc ấy, tinh trùng đã yếu nhưng do trước đó chồng chị Dung khỏe mạnh, không bệnh tật nên vẫn còn cơ hội thụ tinh. Việc lưu giữ 14 mẫu tinh trùng này được thực hiện như hàng nghìn mẫu tinh trùng khác.
Chị Dung bên 2 con trai vừa chào đời: Hồ Sỹ Hoàng Hải và Hồ Sỹ Hoàng Đức (ảnh chụp ngày 18/12/2013)
Theo bác sĩ Vệ, ai cũng có thể bảo lưu được tinh trùng. Với những những người sinh lý yếu, bị vô sinh, nếu kết quả kiểm tra thấy tinh trùng còn vận động thì vẫn lưu giữ và thực hiện thụ tinh được. Các trường hợp nam giới bị ngộ độc, tiếp xúc nhiều với hóa chất, thực hiện xạ trị, hóa trị liệu, nhiễm HIV, viêm gan B thì không nên lưu giữ tinh trùng. Những người này cần lưu trữ tinh trùng trước khi điều trị.
Ngoài ra, khi lưu trữ phải có sự đồng thuận của các thành viên trong gia đình và cơ quan công an làm chứng thì mới thực hiện lấy mô chứa tinh trùng. Việc lưu giữ, bảo quản mô và tinh trùng, thậm chí kể cả trứng của phụ nữ sẽ mở ra cơ hội cho những cặp vợ chồng chưa kịp có con khi 1 trong 2 người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đột ngột tử vong.
Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, trên thế giới, việc thụ tinh từ tinh trùng của người quá cố rất hiếm. Ở Việt Nam, đây là trường hợp đầu tiên. Thành tựu này mở ra hy vọng cho những người đàn ông bị tai nạn, chẳng may tinh hoàn văng ra hoặc bị tổn thương thì vẫn gom lại được để bảo quản hoặc những người bị bệnh nặng không thể sinh bằng phương pháp tự nhiên. Cũng theo ông Tiến, mọi trường hợp đều có khả năng lưu trữ tinh trùng, tuy nhiên, việc lưu trữ tinh trùng thường chỉ được khuyến cáo thực hiện ở những trường hợp đặc biệt.
Hiện nay Việt Nam có nhiều bệnh viện đủ khả năng để lưu mô, tinh trùng và trứng với số lượng lớn. Việc lưu tinh trùng có thể kéo dài tới 50 năm, còn trứng và mô thì thời gian lưu được ít hơn. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhiều trẻ đã ra đời từ những phôi tinh trùng được trữ lạnh.
Nếu cần lưu trữ tinh trùng, trứng, người dân có đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) hoặc gọi số 04.39346207 để được tư vấn. Ngoài ra, Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, điện thoại: 04.36343636; Trung tâm Công nghệ phôi Học viện Quân y, điện thoại: 069.566100 cũng thực hiện lưu giữ tinh trùng, trứng. Còn ở phía Nam, Bệnh viện Từ Dũ TPHCM, điện thoại: 08.54042829 cũng thực hiện kỹ thuật lưu trữ bảo quản trứng, tinh trùng. |
Bác sĩ Lê Văn Vệ (Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) Chi phí thực hiện lưu giữ tinh trùng và thụ tinh tương đương với thụ tinh trong ống nghiệm hiện tại, ước chừng khoảng 40 triệu đến 60 triệu đồng/ca. Tuy nhiên, nếu độ tuổi càng trẻ, việc sử dụng thuốc kích trứng ít, chi phí sẽ thấp hơn. Ngược lại, tuổi càng cao, chi phí cho thuốc kích trứng nhiều nên sẽ đắt hơn. Thông thường, chi phí kích trứng chiếm đến 40% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. |