Sử liệu quý giá về triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam

Bảo Minh
21/11/2021 - 17:30
Sử liệu quý giá về triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam

Hình ảnh vua Minh Mạng - người thành lập Quốc sử quán triều Nguyễn

Cuốn sách Quốc triều chánh biên toát yếu do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn là một tài liệu quan trọng về triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam, ghi lại nhiều dấu ấn thăng trầm của lịch sử

Từ năm 1821 cho tới năm 1945, Quốc sử quán là nơi biên soạn lịch sử chính thức duy nhất tại nước ta. Những người làm việc tại Quốc sử quán đều là người có chữ nghĩa, giỏi văn, thực hiện các công việc gồm biên soạn, khảo đính, sao chép, tập hợp, sao chép dữ liệu.

Khi Quốc sử quán được đưa vào hoạt động, việc đầu tiên vua Minh Mạng muốn làm là biên soạn một bộ sử biên niên với chỉ dụ rằng: "Nước phải có sử để làm tin ở đời này mà truyền lại đời sau". Trong 125 năm hoạt động của Quốc sử quán, di sản mà tiền triều để lại cho hậu thế chính là những bộ sử sách đồ sộ. Nhưng sự phức tạp và khối lượng thông tin khổng lồ từ chúng vô hình trung lại khiến bạn đọc khó có thể tiếp cận được. Chính vì vậy, việc biên soạn lại sử sách theo cách thức giản lược là một yêu cầu cần thiết.

Quốc triều chánh biên toát yếu chép từ thời đế vương Gia Long đến Đồng Khánh hoàng đế theo xu hướng tóm tắt mà không nghiên cứu hay đưa ra bình luận gì thêm. Với tinh thần lấy sự tóm lược sự kiện làm chính, cuốn sách về cơ bản là chính xác và không rườm rà.

Tác phẩm Quốc triều chánh biên toát yếu

Tác phẩm Quốc triều chánh biên toát yếu

Trừ chương đầu từ năm 1778 đến 1802 với những cuộc binh biến, 7 chương sau cho thấy một triều đại mới trên đà phát triển từ đối nội đến đối ngoại, đạt được những thành công rực rỡ rồi đi đến giai đoạn rối ren, bất ổn.

Cuốn sách là một công trình tỉ mỉ, có tính bao quát quan và là một nguồn sử liệu quý giá tái hiện sự phát triển của quốc gia trong hơn một thế kỷ. Mở đầu công trình bằng giai đoạn gian truân của Gia Long Hoàng đế để nối liền đất nước, Quốc triều chánh biên toát yếu cho thấy sự thống nhất về chính trị là tiền đề quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của quốc gia ở tất cả mọi mặt.

Việc ghi chép và sắp xếp các sự kiện theo một dòng thời gian đồng nhất cho thấy triều đình có sự chuyển dịch dần từ khi quan võ chiếm thế thượng phong đến khi đất nước yên bình, quan văn chiếm phần ưu thế. 

Năm 1858, dưới triều Tự Đức, Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Từ đó về sau liên tiếp là những cuộc hòa hoãn, thương thảo giữa triều đình và phía Pháp nhưng không đem lại kết quả nào. Đến cuối thời Đồng Khánh (1888) Pháp ngày càng lấn sâu vào nền chính trị Việt Nam. Sự bối rối của triều đình trước ngoại bang, việc lưỡng lự nên đánh hay hòa được nêu vắn tắt qua các sự kiện chính yếu. Trong khoảng thời gian nhạy cảm này, Quốc triều chánh biên toát yếu đã ghi chép thông tin rất vắn tắt, súc tích về nguồn gốc, hành trạng các nhân vật lịch sử, từ quan đại thần đến các bậc trí thức, thủ lĩnh khởi nghĩa. Vì thế các cuộc khởi nghĩa chống Pháp xuất hiện một cách trung thực, không tỏ ra thành kiến hay hạ thấp nhân vật nào.

Quốc triều chánh biên toát yếu được đánh giá là một bức tranh toàn cảnh, khách quan về kinh tế - chính trị - văn hóa - quân sự trong hơn một thế kỷ của Việt Nam. Công trình này của Quốc sử quán có ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc xây dựng triều đại của nhà Nguyễn. Tác phẩm biểu thị những giai đoạn thăng trầm khác nhau của vương triều quân chủ cuối cùng, đồng thời làm nổi bật hình ảnh một quốc gia có nền văn hiến lâu đời, nền văn hóa đa dạng.

Công trình này, cũng như những sử liệu được soạn thảo suốt triều đại nhà Nguyễn, là nguồn tư liệu vô cùng quan trọng để khẳng định chủ quyền của dân tộc. Những chiếu chỉ, lời dụ được ghi chép nhằm khẳng định sự tồn tại và hoạt động của người Việt tại các vùng cương vực xa xôi.

Với hậu thế, cuốn sách có giá trị sử liệu to lớn khi cung cấp một tầm nhìn bao quát về xã hội đương thời dựa trên những quyết sách của thiên tử. Lối viết sử lược biên ngắn gọn của Quốc triều chánh biên toát yếu cũng cho phép người đọc có thể dễ dàng nắm bắt cả một triều đại trong 500 trang sách súc tích.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm