Bạn có biết? Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nylon/ngày bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ... Hàng triệu túi nylon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày. Quá trình phân hủy của một chiếc túi nylon có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời. Sự tồn tại của túi nylon trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, bởi túi nylon lẫn vào đất sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng. Nếu túi nylon bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh. Nghiêm trọng hơn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi ni lông sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Những túi ni lông nhuộm màu còn chứa các kim loại như chì, cadimi, nếu đựng thực phẩm đã chế biến sẽ gây hại cho sức khỏe con người. (Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường) |
Là chủ một cơ sở chế biến thức ăn chín tại quận Long Biên, Hà Nội, điều chị Phạm Thị Nhàn đau đầu nhất là bao bì dùng để gói, đựng sản phẩm của mình. Sử dụng hộp xốp hay túi nylon tuy rẻ thì không an toàn cho sức khỏe, mà lại gây ô nhiễm môi trường. Nhưng đựng đồ ăn bằng hộp hay chai thủy tinh khá tốn kém và bất tiện khi vận chuyển, chị Nhàn đã nghiên cứu những vật đựng khác để tiết kiệm chi phí.
Thời gian gần đây, chị Phạm Thị Nhàn cũng như nhiều người tiêu dùng khác, đều vui mừng trước thông tin về những loại túi nylon tự phân hủy sinh học, có thể thay thế cho túi nylon truyền thống.
Tại các siêu thị, túi đựng thực phẩm tự hủy sinh học do Việt Nam sản xuất có giá từ 50.000 đồng đến 90.000 đồng/cuộn, túi nhập khẩu từ châu Âu có giá từ 110.000 đồng/cuộn. Túi nylon tự hủy thường có màu trắng hoặc trong suốt, khi sờ vào trơn mượt. Tuy mỏng hơn nhưng loại túi này có độ dai, bền tương đương túi nylon truyền thống. So với giá các loại túi nylon đang bán trên thị trường, túi tự hủy có giá cao hơn từ 2 lần.
Tuy nhiên, với các nhà nghiên cứu hay những người quan tâm đến các sản phẩm nhựa, túi tự phân hủy sinh học này không quá “thần thánh”, có thể hoàn toàn phân hủy, không độc hại và thân thiện với môi trường như người nhiều người đang nghĩ.
Điểm khác nhau giữa túi nylon thường và túi nylon tự phân hủy sinh học đang có trên thị trường hiện nay
Trao đổi về vấn đề này, Trúc Thanh, chủ nhiệm câu lạc bộ Tâm hồn xanh (là một cộng đồng học tập và thực hành sử dụng tài nguyên hiệu quả và nâng cao phẩm chất đời sống) chia sẻ: Hiện nay các loại nilon làm bằng chất liệu hữu cơ phân hủy tự nhiên vẫn chưa phổ biến, hầu hết các loại bao bì đang sử dụng đều được làm bằng nilon toàn phần hoặc một phần.
Túi nylon truyền thống bán trên thị trường có thành phần hoàn toàn là các hạt vi nhựa cùng các thành phẩm tạo màu, tạo độ dai, độ dẻo….
Túi nylon phân hủy sinh học đang bán trên thị trường, ngoài các hạt vi nhựa (chiếm khoảng 40 – 50%) còn có thêm thành phần khác như chất phụ gia phân hủy, hay một số thành phần tự nhiên như bột ngô, bột sắn, bột mì….
Vì vậy, dù thành phần nhựa ít hơn túi ni lông thường, nhưng về bản chất, các loại túi nylon phân hủy sinh học vẫn là túi ni lông, được cho thêm chất phụ gia để đẩy nhanh quá trình phân rã.
Khi dùng túi nylon tự phân hủy sinh học, nhiều người nghĩ loại túi này có thể tự phân hủy ngoài môi trường. Tuy nhiên, loại túi này không thể dễ dàng phân hủy như lá cây, gỗ mục…. Túi phân hủy phải có điều kiện thích hợp, đảm bảo vệ nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm nhất định, phù hợp với từng loại thì mới phân rã được. Theo thông tin từ các nhà sản xuất, loại túi này có thể phân rã trong thời gian từ 6 tháng đến 2 năm, hoặc lâu hơn nữa, tùy theo điều kiện môi trường.
Bên cạnh đó, để phục vụ nhu cầu sử dụng túi tự phân hủy của người tiêu dùng, không ít nhà sản xuất đã tự gắn mác sinh học cho những chiếc túi để thu lợi. Nếu vẫn quyết định lựa chọn túi ni lông, khi mua sản phẩm, bạn nên đọc kỹ thành phần nguyên liệu làm ra chiếc túi.
Ngoài ra, có thể xác định túi tự phân hủy sinh học có độc hay không bằng cách đốt. Nếu thấy sản phẩm dễ cháy, không bốc khói thì tính độc hạn chế. Nếu khi đốt túi khó cháy, bốc khói, có mùi lạ, khét… đó là túi có tính độc.