pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sửa đổi Luật Việc làm: Cần quan tâm đến lao động nữ khu vực phi chính thức
Ảnh minh họa
Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, việc sửa đổi Luật Việc làm lần này sẽ điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động. Luật cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt có nhóm lao động yếu thế, lao động nghèo, lao động nông thôn, người thất nghiệp và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức.
Đề xuất bổ sung các chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm
Lao động khu vực phi chính thức phần lớn là lao động nữ. Họ làm việc ở các ngành nghề thiếu tính bền vững như: Giúp việc gia đình, làm thuê trong các nhà hàng… Họ rời quê hương tìm việc làm nhưng bản thân nhiều người lại không có bằng cấp, chứng chỉ nghề nên càng ít cơ hội có việc làm bền vững.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Lao động phi chính thức là nữ giới chiếm số lượng tương đối lớn, thường chịu ảnh hưởng nặng nề trên 4 khía cạnh: Việc làm, thu nhập, sức khỏe và quan hệ giới trong gia đình. Do vậy, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có hướng giải pháp góp phần tạo cơ hội, điều kiện cho lao động phi chính thức, nhất là lao động nữ, được tiếp cận với chính sách chính thức hóa việc làm, được thụ hưởng các chế độ hỗ trợ về pháp lý, đào tạo nghề, tham gia BHXH tự nguyện, được cung cấp thông tin về thị trường lao động, được tư vấn, giới thiệu việc làm. Cụ thể, với nhóm chính sách "Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững", dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) hướng tới bổ sung các chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách; bổ sung chính sách hỗ trợ việc làm cho các nhóm lao động đặc thù như người cao tuổi, người đi làm việc ở nước ngoài; việc làm cho học sinh, sinh viên; chính sách hỗ trợ chuyển đổi, "chính thức hoá việc làm phi chính thức".
Bên cạnh đó, có nhóm chính sách "Phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực", nhằm hướng tới mục tiêu tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, phấn đấu đến năm 2030, đạt 35%-40%. Thành lập Hội đồng kỹ năng nghề quốc gia, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra nhiều giải pháp, trong đó dự thảo Luật định hướng bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề, Hội đồng kỹ năng nghề, khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia… Theo đó, "tăng cơ hội cho lao động nữ được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng và tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, từ đó, có cơ hội nâng cao trình độ, kỹ năng của bản thân để có cơ hội tìm việc tốt hơn", Bộ LĐ-TB&XH nhận định.
Trăn trở vấn đề việc làm cho lao động nữ trung niên ở nông thôn
Phân tích một số hạn chế trong triển khai thực hiện Luật Việc làm 2013, luật sư Đinh Đức Duy (Văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định của Luật Việc làm 2013, lao động nông thôn được hỗ trợ kinh phí để học nghề. Thực tế, lao động nông thôn, trong đó có lao động nữ, hầu hết được đào tạo một số nghề như trồng trọt, chăn nuôi, đan lát, thủ công mỹ nghệ... Trong khi có nghề thu nhập thấp. Đơn cử, nghề mây tre đan, có những người sau khi được đào tạo nghề, theo nghề, thu nhập chỉ được 10 nghìn-20 nghìn đồng/ngày.
"Phụ nữ trung niên ở nông thôn rất khó tìm việc làm phù hợp do hạn chế về trình độ, chuyên môn. Do đó, khi sửa đổi Luật Việc làm, tôi mong các nhà làm luật cần chú ý đến nhóm đối tượng này hơn nữa".
Bà Nguyễn Phương Mai, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh
"Khi sửa Luật Việc làm, chúng tôi mong muốn làm sao tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động nữ. Việc tăng thu nhập có thể bằng nhiều cách, như ngoài lương theo hệ số, cần tăng phụ cấp độc hại, phụ cấp nghề… Có như vậy, nhân viên y tế mới yên tâm công tác và cống hiến".
TS. Lê Thị Thu Hường, giảng viên Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Từ thực tế địa phương, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa, cho biết, những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ, tạo việc làm cho hội viên, phụ nữ. Điều khiến bà Hoa băn khoăn là vấn đề việc làm cho lao động nữ trung niên. Bà Hoa cho rằng, nhiều doanh nghiệp không muốn nhận lao động nữ trung niên mà chỉ tuyển lao động dưới 35 tuổi. Hiện nay, công việc phù hợp với lao động nữ trung niên là giúp việc gia đình. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ có nhu cầu làm giúp việc gia đình ngại đi xa, chỉ muốn đi về trong ngày nên rất khó tìm được nơi làm như ý. Với đối tượng này, Hội đã chú trọng phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ độ tuổi trung niên. Công việc phù hợp với nhiều phụ nữ trung niên do họ có thể tận dụng thời gian nông nhàn để sản xuất, kiếm thêm thu nhập. Ngoài ra, họ có thể mang nguyên liệu về nhà làm, vẫn được ở nhà với người thân. Tuy nhiên, thu nhập từ công việc này lại thấp nên nhiều người không mặn mà.
Một vấn đề khác là thiếu nơi gửi trẻ phù hợp khiến không ít nữ công nhân sau khi nghỉ thai sản không thể đi làm trở lại. Bởi nhiều trường mầm non chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. Nếu không nhờ được người nhà trông con thì chi phí thuê người giúp việc cũng phải 5-6 triệu đồng/tháng, trong khi thời gian làm việc của công nhân có thể lên tới 12 tiếng/ngày mới có thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng, chỉ đủ tiền thuê người giúp việc. "Dù sửa Luật theo hướng nào thì chúng tôi cũng mong muốn chị em được tạo điều kiện hơn để cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống", bà Hoa bày tỏ.
Theo đại diện Hội LHPN tỉnh Hòa Bình, thời gian qua, Hội đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng lao động ở nông thôn, nâng cao năng suất lao động; đồng thời, tạo cơ hội để phụ nữ nông thôn có việc làm tại chỗ, không phải đi làm ăn xa. Tuy nhiên, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn ở tỉnh Hòa Bình còn nhiều khó khăn. Theo đó, một bộ phận hội viên, phụ nữ và người lao động chưa hiểu hết được lợi ích của việc học nghề; xây dựng mô hình còn trông chờ ỷ lại, chưa tự giác áp dụng, tìm kiếm việc làm phù hợp với kiến thức đã học. Trong khi đó, nguồn kinh phí hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm còn hạn chế; kinh phí khảo sát trước khi mở lớp đào tạo nghề và kiểm tra, giám sát sau đào tạo nghề còn hạn chế.
Do đó, Hội LHPN tỉnh Hòa Bình đề xuất, hằng năm, Trung ương cần tăng cường kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, huyện nghèo của tỉnh; tiếp tục cấp vốn theo Chương trình mục tiêu quốc gia dạy nghề và đào tạo nghề. Đồng thời, tăng cường tập huấn, nâng cao kiến thức áp dụng khoa học kỹ thuật trong công tác đào tạo nghề.
Còn theo bà Nguyễn Phương Mai, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh, Bắc Ninh có nhiều nhà máy, khu công nghiệp. 75% lao động là người ngoại tỉnh, còn 25% lao động là người trong tỉnh. Số lượng hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh gần 200.000 hội viên, đa số là trong độ tuổi trung niên. Bà Mai cho biết, hầu hết lao động nữ ngoài 35 tuổi doanh nghiệp không tuyển nữa. Vì vậy, với đối tượng này, Hội tập trung giải quyết việc làm tại chỗ, triển khai các mô hình phát triển kinh tế gia đình để hội viên tham gia.