Sửa đổi Thông tư 30 giúp giáo viên... 'nhẹ gánh'

29/09/2016 - 16:29
Bớt đi phần nào sổ sách, linh hoạt và nới rộng phạm vi nhận xét, đánh giá học sinh... - là những điều khiến giáo viên tiểu học đang “thở phào” trước thay đổi của Thông tư 30, nay là Thông tư 22, về nhận xét đánh giá học sinh tiểu học.
th.jpg
Điều kiến giáo viên mệt mỏi nhất khi thực hiện Thông tư 30 là đánh giá học sinh.

Gần 20 năm đứng lớp, cô Nguyễn Thị Hải (Trường Tiểu học Đồng Sơn, TP.Vinh, Nghệ An) chia sẻ rằng rất vui khi những tâm tư của giáo viên đã được lắng nghe và sửa đổi theo hướng tích cực tại Thông tư 22 (thay cho thông tư 30 trước đây).

Mặc dù chỉ vừa đọc thông tư và chưa đến thời điểm tập huấn, song cô Hải phấn khởi nói: “Đánh giá học sinh ở các mức rộng hơn thay vì hoàn thành hay chưa hoàn thành sẽ giúp giáo viên nắm bắt sát sao hơn năng lực, trí tuệ của học sinh để nhận xét và đánh giá sổ sách”.

Cũng theo cô Hải, riêng chấm điểm ở kỳ thi giữa kỳ của học sinh lớp 4, 5 cũng là thay đổi tích cực, giáo viên dễ dàng hơn trong khoanh vùng năng lực học tập của học sinh. Trong khi đó, các học sinh cũng sẽ có mốc đánh giá hợp lý bằng điểm số vào giữa học kỳ để có hướng phấn đấu, thi đua học tập tốt hơn.

Cô giáo Lê Thanh Hà (ở huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cũng đồng tình và phân tích, điều kiến giáo viên mệt mỏi nhất khi thực hiện Thông tư 30 là đánh giá học sinh. Theo đó, chỉ với 2 mức để đánh giá học sinh là hoàn thành và chưa hoàn thành là quá nặng về định tính, không khơi dậy được tinh thần phấn đấu và nỗ lực của học sinh.

“Thông tư 22, với ba mức đánh giá mới là Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành, các thầy cô sẽ “dễ thở” hơn trong cách đánh giá. Ba mức này giúp giáo viên, phụ huynh lượng hóa, nhìn nhận rõ ràng hơn kết quả rèn luyện, phấn đấu của học sinh. Cách đánh giá này còn giúp học sinh nhận ra mình thiếu hụt những gì so với chuẩn kiến thức, kỹ năng hay yêu cầu bài học để cả giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động, phương pháp tiếp cận kiến thức” - cô Hà chia sẻ.

o-hai.jpg
 Cô giáo Nguyễn Thị Hải bên các học trò của mình.

Một trong những điểm mới giúp giáo viên bớt khâu sổ sách là sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời không quy định cứng nhắc bất kì loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh.

Giáo viên được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của học sinh, ghi chép những lưu ý với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội để nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần. Cô Lại Thị Thu (giáo viên tiểu học ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, đây là điều khiến cô tâm đắc nhất. “Vẫn ám ảnh mỗi khi ghi chép rất nhiều loại sổ sách bắt buộc, nhiều hôm thức trắng đêm. Quy định mới giúp các giáo viên chuyên tâm hơn trong các giờ dạy trên lớp” - cô Thu nói.

Thông tư 22 sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 6/11/2016. Từ nay đến lúc đó, giáo viên sẽ có thời gian để được tiếp cận, tập huấn những nội dung mới của Thông tư, từ đó áp dụng ngay vào học kỳ I của năm học 2016-2017.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm