Sửa Luật Đất đai: Cần đảm bảo bình đẳng giữa các chủ thể trong tiếp cận và sử dụng đất đai

Đình Hưng
08/10/2022 - 15:21
Sửa Luật Đất đai: Cần đảm bảo bình đẳng giữa các chủ thể trong tiếp cận và sử dụng đất đai

Ảnh minh họa.

Ngày 7/10, tại TP.Cần Thơ, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương - cho biết, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, hội nghị TW 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới về chính sách, pháp luật về đất đai, sau hơn 8 năm thi hành Luật Đất đai 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tuy nhiên, Luật Đất đai đã bộc lộ những hạn chế, bật cập, một số quy định chồng chéo với các văn bản luật khác; dẫn đến những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất, chưa đáp ứng với yêu cầu  phát triển bền vững trong giai đoạn mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Liên quan đến các quy định đảm bảo bình đẳng giữa các chủ thể trong tiếp cận và sử dụng đất đai thực tiễn triển khai còn hạn chế, như quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cả vợ và chồng. Báo cáo số 51/BC-BTNMT ngày 20/5/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về "Nghiên cứu, đánh giá thực trạng việc cấp Giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng nhằm bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ" cho thấy tình trạng phân biệt, đối xử không công bằng đối với nhóm người yếu thế trong xã hội (phụ nữ, người già, trẻ em, người dân tộc thiểu số…) diễn ra ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống, có sự khác nhau giữa các khu vực, vùng miền, nhận thức.

Trong đó, việc ghi nhận và thực hiện định đoạt đối với tài sản đặc biệt là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất ở nhiều nơi chưa có sự tham gia của phụ nữ. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ.

Những vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay.

Sửa Luật Đất đai: Cần đảm bảo bình đẳng giữa các chủ thể trong tiếp cận và sử dụng đất đai - Ảnh 1.

Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại TP.Cần Thơ. Ảnh: KN

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, Luật Đất đai là một trong những đạo luật lớn, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội, an ninh, quốc phòng, hoạt động và cuộc sống mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội. Chính vì vậy việc sửa đổi Luật Đất đai cần có sự tham gia góp ý của nhiều ngành, nhiều cấp, đại biểu của nhân dân.

Với chức năng nhiệm vụ của tổ chức Hội là đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã triển khai cho các cấp Hội tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp phụ nữ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); bên cạnh đó cũng trực tiếp tổ chức hội thảo tham vấn tại một số tỉnh, thành phố.

Bảo vệ quyền lợi phụ nữ trong lĩnh vực đất đai

Về quy định của pháp luật bảo về quyền lợi phụ nữ trong lĩnh vực đất đai, tại hội thảo, đại diện Ủy ban MTTQ TP.Cần Thơ cho rằng pháp luật ngày càng có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, từng bước khẳng định chỗ đứng của họ trong gia đình và ngoài xã hội.

Để bảo đảm thực hiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ, đại diện Ủy ban MTTQ TP.Cần Thơ đề nghị các quy phạm pháp luật về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cần được sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến thủ tục kê khai xin cấp GCNQSDĐ phải có xác nhận của cả vợ và chồng. Trong phần kê khai để cấp GCNQSDĐ phải có phần kê khai tình trạng hôn nhân của chủ sử dụng. Đây chính là một căn cứ quan trọng để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình xin cấp giấy và sau khi đã được cấp GCNQSDĐ.

Bên cạnh đó, pháp luật cần phải quan tâm hơn đến quyền lợi của nữ giới, quyền của người vợ, người mẹ có một chỗ ở sau khi ly hôn để có thể ổn định cuộc sống, tạo điều kiện chăm sóc con cái và giúp những đứa trẻ sẽ đỡ bị tổn thương, thiệt thòi trong giai đoạn đang học tập và trưởng thành.

Cần nghiên cứu từng bước để pháp luật quy định cụ thể việc con dâu được hưởng di sản thừa kế của gia đình nhà chồng. Phần tài sản họ được hưởng sẽ bù đắp một phần công sức đóng góp, duy trì, bảo vệ khối tài sản trong gia đình nhà chồng trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp. Đây là một yêu cầu chính đáng của phụ nữ.

Ngoài ra, cũng theo đại diện Ủy ban MTTQ TP.Cần Thơ, các quyết định liên quan đến việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, quyền sử dụng đất, bất động sản do vợ chồng cùng tạo lập, được tặng cho chung trong thời kỳ hôn nhân phải được trao đổi, bàn bạc, thoả thuận thống nhất ý kiến bằng văn bản của cả vợ và chồng.

Đại diện Tòa án Nhân dân TP.Cần Thơ nhấn mạnh dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung đổi mới hơn so với Luật Đất đai năm 2013. Về cơ bản, Tòa án nhân dân TP.Cần Thơ thống nhất đối với Dự thảo Tờ trình và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, có một số quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần căn nhắc và xem xét lại.

Trong đó, khoản 1 Điều 122 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định "trường hợp sau khi cấp Giấy chứng nhận mà tài sản bị tiêu hủy, phá dỡ thì việc chứng nhận quyền sở hữu tài sản không còn hiệu lực pháp lý"; đại diện Tòa án nhân dân TP.Cần Thơ cho rằng quy định này nhận thấy chưa bảo đảm quyền lợi của người có tài sản bị tiêu hủy, phá dỡ vì khi Giấy chứng nhận không còn hiệu lực pháp lý thì họ sẽ không có đủ cơ sở để yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong trường hợp phát sinh tranh chấp.

Quy định về người sử dụng đất tại Điều 6 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần tách bạch 3 chủ thể: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị… (chủ thể công quyền); tổ chức kinh tế; tổ chức tôn giáo tại khoản 1 thành 3 khoản độc lập chứ không gọi chung là tổ chức trong nước sử dụng đất như hiện nay. Ngoài ra, cần bổ sung người sử dụng đất là "cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam".

Bên cạnh đó, điều 33 dự thảo về quyền tiếp cận thông tin đất đai, cần làm rõ thêm mức độ tiếp cận, phương thức tiếp cận, làm rõ thông tin nào phải công khai và hiển nhiên được tiếp cận, thông tin nào phải trả phí, phương thức tiếp cận ra sao. Cần có nguyên tắc chung và giao Chính phủ cụ thể hóa nội dung này.

TS.Châu Hoàng Thân, Khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm