pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sửa Luật Đất đai: Cần đảm bảo lợi ích, quyền lợi thiết thân của hội viên, phụ nữ
Hội LHPN TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 31/8
Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung ý kiến, trao đổi về quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất như Quyền, trách nhiệm của công dân với đất đai (Chương II); Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Chương IV); Giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất (Chương V)…
Cần làm rõ hơn nội dung về quyền bình đẳng giới
Tại hội thảo, vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Bà Đỗ Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội LHPN quận Tân Bình, cho rằng, trước khi phê duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần phải lấy ý kiến góp ý, phản biện xã hội của người dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nhằm tạo được sự đồng thuận cao khi tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, cần quy định thêm việc việc hướng dẫn, thực hiện hỗ trợ tái định cư.
Ngoài ra, theo bà Lan, trong vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần có thêm nội dung sau khi thực hiện dự án thu hồi đất. Thực tế, có trường hợp đất diện tích còn lại rất nhỏ, người dân vẫn xây dựng nhà tạo nên những căn nhà "siêu mỏng", làm mất mỹ quan đô thị.
Bà Nguyễn Ngọc Yến, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận 12, cho biết, nội dung tại Điều 19, chương II về Quyền và trách nhiệm của nhà nước, công dân đối với đất đai nên xem xét quy định cụ thể hơn, cách thức, thời điểm ban hành 5 năm hay 10 năm quy định định giá đất để tránh trường hợp giá đất của Nhà nước không còn phù hợp so với thời điểm thực tế; tránh việc người dân khiếu nại, khiếu kiện về giá đề bù.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho thấy được sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Nếu chúng ta làm được điều này thì sẽ phát huy được rất hiệu quả nguồn lực đất đai. Tuy nhiên, cần xem xét, rà soát lại một số quy định trong các Luật như Luật kinh doanh bất động sản, Luật đầu tư, Luật Nhà ở so với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), còn rất nhiều điểm bất cập.
PGS.TS Trương Thị Hiền - Chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM
Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, khi thực hiện xác định giá đất bồi thường cần tham khảo giá thị trường và ý kiến của người dân để xác định giá, tránh việc giá nhà nước bồi thường quá thấp so với giá thị trường.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, cho biết, Quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ thông qua hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là yếu tố quan trọng đảm bảo thực hiện quyền bình đẳng giới. Tuy nhiên, thực tế triển khai quy định này cho thấy còn nhiều vướng mắc, bất cập. Trong đó, phải kể đến tình trạng đứng tên một bên trên giấy tờ cũng như giao dịch về đất, nhà vẫn phổ biến; nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã dẫn đến sự bất bình đẳng về quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ so với nam giới.
Theo bà Thanh, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần làm rõ hơn nội dung về Quyền bình đẳng giới trong sử dụng đất đai. Và nên chăng kiến nghị đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) xác định vai trò, vị trí của Hội LHPN Việt Nam trong việc giám sát thực hiện Quyền về bình đẳng giới trong việc sử dụng đất đai; việc thực hiện Điều 95, chương VII về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất đối với phụ nữ.
Góp ý vào Luật giúp đời sống hội viên, phụ nữ tốt hơn
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, cho biết, Luật Đất đai có liên quan sát đến đời sống của người dân, trong đó có hội viên phụ nữ. Liên quan đến Luật Đất đai (sửa đổi), có nhiều nội dung hội viên, phụ nữ cần phải quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến để góp phần giúp cho luật được hoàn chỉnh, sát với thực tiễn; giúp cho cho đời sống hội viên, phụ nữ ngày một tốt hơn.
Theo bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Hội LHPN Thành phố cũng sẽ có đề xuất, kiến nghị để ban soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được phù hợp, đồng bộ với các Luật khác. Đặc biệt, Hội sẽ có ý kiến để dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quan tâm với Luật Bình đẳng giới; liên quan đến lợi ích, quyền lợi thiết thân của hội viên, phụ nữ.
Các ý kiến của đại biểu góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được tổng hợp đầy đủ để gửi về Hội LHPN Việt Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM.
Tham dự trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội, bà Đàm Thị Vân Thoa, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, Hội LHPN Việt Nam, cho biết, có nhiều vấn đề được Hội LHPN Việt Nam ưu tiên đã được các đại biểu phản ánh tại hội thảo, với nhiều ý kiến có chất lượng. Trên cơ sở đó, Hội LHPN Việt Nam sẽ chuẩn bị và có thông tin chính thức gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cũng như chuẩn bị cho hội nghị phản biện xã hội do Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức sắp tới.
"Luật Đất đai là luật rất khó, có những quyền lợi rất sát sườn đối với người dân. Do đó chúng ta sẽ có những nội dung trọng tâm cho những lần góp ý tiếp theo", bà Đàm Thị Vân Thoa nhấn mạnh.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều. Về cơ bản, bố cục của dự thảo Luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm hai chương (bổ sung thêm một chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành hai chương).
Dự kiến, dự thảo luật sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2022 tới; dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022), trình Quốc hội cho ý kiến lần hai vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).