Sức khỏe tâm lý của phụ nữ: Thách thức bị bỏ quên

Đức Dũng
23/05/2025 - 08:32
Sức khỏe tâm lý của phụ nữ: Thách thức bị bỏ quên

Ảnh minh họa

Bên cạnh những con số về chênh lệch thu nhập, bạo lực giới hay thiếu đại diện trong chính trường, còn một bất công âm thầm nhưng dai dẳng mà phụ nữ phải đối mặt: Sức khỏe tâm lý. Trong khi các tổ chức quốc tế liên tục gióng lên hồi chuông về khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu thì những yếu tố giới vẫn chưa được nhìn nhận đầy đủ trong các chính sách y tế.
Khoảng cách giới trong chăm sóc sức khoẻ tinh thần

Theo Khảo sát y tế quốc gia Tây Ban Nha năm 2023, tỷ lệ mắc rối loạn lo âu ở nữ giới là 14%, cao gấp đôi nam giới (7%). Thực tế, tình trạng này không chỉ giới hạn trong một quốc gia mà xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. 

Theo nhiều nghiên cứu, phụ nữ có xu hướng biểu hiện những tổn thương tâm lý thông qua trầm cảm, lo âu, rối loạn ăn uống, nhưng điều đáng nói là phần lớn trải nghiệm tâm lý của phụ nữ bị gắn mác là "quá nhạy cảm" hay "đa cảm", từ đó bị xem nhẹ khi xây dựng các chính sách y tế.

Một phần nguyên nhân của việc số lượng các chẩn đoán mắc bệnh tâm lý tăng cao ở phụ nữ đến từ việc họ thường phải gánh vác nhiều vai trò cùng lúc, vừa là người lao động, vừa làm mẹ và người chăm sóc gia đình, trong khi vẫn phải tuân theo các khuôn mẫu xã hội khắt khe. 

Họ được kỳ vọng vừa thành đạt nơi công sở, vừa chu toàn gia đình, trong khi không gian và thời gian cho nhu cầu cá nhân gần như bằng không. Giáo sư Cynthia Vejar, Trường Lebanon Valley (Hoa Kỳ), nhận định: Phụ nữ cảm thấy mình phải là "mọi thứ cho mọi người". Sự kỳ vọng này khiến họ kiệt sức nhưng vẫn thấy mình chưa đủ tốt.

Nhiều chuyên gia chỉ ra phụ nữ có xu hướng tìm đến các dịch vụ tâm lý nhiều hơn nhưng không đồng nghĩa với việc họ được chăm sóc tốt hơn. Họ thường rời phòng khám với đơn thuốc an thần thay vì được trị liệu toàn diện. 

Trong khi đó, những triệu chứng trầm cảm ở nam giới (như giận dữ hay xa lánh xã hội) lại thường bị bỏ qua vì không phù hợp với hình dung "truyền thống" về bệnh tâm thần. Những định kiến giới vẫn tồn tại dai dẳng trong không gian về sức khoẻ tâm thần.

Sự thiên lệch trong đào tạo nhân viên y tế, thiếu dữ liệu phân tách theo giới, và những định kiến vô thức trong hệ thống y tế khiến nhiều vấn đề sức khỏe của phụ nữ không được chẩn đoán đúng, hoặc bị chẩn đoán muộn. 

Điều này đặc biệt rõ rệt ở những rối loạn liên quan đến giới như trầm cảm sau sinh, rối loạn ăn uống hay lo âu mãn tính.

Áp lực kép trong đời sống và công việc

Phụ nữ không chỉ chịu bất công trong chăm sóc y tế, mà còn đối mặt với hàng loạt căng thẳng kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm lý. Từ chênh lệch lương đến "ca làm thứ hai", tức công việc không lương tại gia đình, phụ nữ thường phải lao động nhiều hơn để duy trì cùng một vị thế xã hội như nam giới. 

Các bà mẹ đơn thân, người lao động trong khu vực phi chính thức, hay phụ nữ sống tại vùng sâu, vùng xa thường gánh chịu nhiều tầng bất công chồng chất. Một báo cáo của Liên minh châu Âu năm 2025 cho thấy, trong số 7,8 triệu gia đình đơn thân ở khối này, có tới 80% là có mẹ đơn thân. 

Tỷ lệ trầm cảm, lo âu và căng thẳng kinh niên ở nhóm này cao hơn hẳn mức trung bình.

Không chỉ vậy, bạo lực giới, từ quấy rối tại nơi làm việc tới bạo lực gia đình, là yếu tố góp phần trực tiếp vào tổn thương tinh thần của phụ nữ. Nhiều nạn nhân không dám tìm đến hỗ trợ vì sợ bị đổ lỗi, kỳ thị hoặc mất đi công việc, con cái hay uy tín xã hội.

Các chuyên gia đồng thuận rằng sức khỏe tâm lý của phụ nữ không thể được cải thiện nếu chỉ dừng lại ở các chương trình trị liệu cá nhân. Britney Marcella, nhà tâm lý học tại tổ chức phi chính phủ Midrift Hurinet (Kenya), nhấn mạnh: Chúng ta cần nhìn nhận đây là một vấn đề hệ thống. 

Theo bà, sự kết hợp giữa bất công kinh tế, khuôn mẫu giới và thiếu dịch vụ chăm sóc phù hợp đang khiến nhiều phụ nữ rơi vào những tình huống khủng hoảng.

Phụ nữ lớn tuổi, phụ nữ khuyết tật, người bản địa và nhóm LGBTQ+ thường đối mặt với thêm nhiều lớp phân biệt và thiếu sự hỗ trợ. Những yếu tố giao thoa này khiến họ càng khó tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục sức khỏe hay mạng lưới hỗ trợ cộng đồng.

Hướng đi nào cho sức khỏe tinh thần của phụ nữ?

Tại Khóa họp lần thứ 69 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc (CSW69), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát động thông điệp "Không có bình đẳng giới nếu không có sức khỏe phụ nữ". Khác với các khẩu hiệu chung chung trước đây, lời kêu gọi này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống y tế đáp ứng giới, đặc biệt về sức khỏe tâm lý. 

Một loạt khuyến nghị chính sách được đưa ra, bao gồm: giảm gánh nặng chăm sóc không lương cho phụ nữ, tăng cường dịch vụ sức khỏe tâm thần giá rẻ, thiết lập cơ chế bảo vệ nạn nhân bạo lực và xóa bỏ khoảng cách lương và cơ hội việc làm. 

Ở cấp độ cộng đồng, cần tăng đầu tư cho các mạng lưới hỗ trợ tinh thần, giáo dục cảm xúc từ sớm và truyền thông thay đổi nhận thức về vai trò giới.

Điều đặc biệt quan trọng là khắc phục sự "vô hình" của phụ nữ trong dữ liệu và nghiên cứu. Khi phụ nữ không hiện diện trong các bảng số liệu, họ cũng vắng mặt trong chính sách. Cần thống kê rõ ràng hơn về sức khỏe tâm lý theo giới, độ tuổi, khu vực cư trú và tầng lớp xã hội để có thể đưa ra giải pháp chính xác và công bằng.

Sức khỏe tâm thần của phụ nữ không chỉ là vấn đề y tế, mà là biểu hiện sâu sắc của quyền con người và công lý xã hội. Việc đầu tư vào chăm sóc tinh thần cho phụ nữ không chỉ giúp cải thiện cuộc sống cá nhân, mà còn nâng cao năng suất lao động, gắn kết cộng đồng và sự phát triển bền vững của xã hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm