Sui gia “ở bển”

06/08/2015 - 21:33
Bầu không khí vui vẻ nhanh chóng tan biến, bữa trưa diễn ra khá nặng nề, nét mặt của bà Yến rất lạ, bà cũng không hay cười như lúc trước.

Hai bà ngạc nhiên bởi cách chăm sóc cháu của nhau (Ảnh minh họa)

Con gái bà Yến lấy chồng người Đức và định cư ở nước ngoài. Bà trở thành trung tâm bàn tán của cả khu phố. Người ta tò mò những chuyện mà chính bản thân bà cũng không biết, nào là: “Con rể Tây giàu lắm nhỉ?”, “Cháu ngoại "lai" chắc xinh lắm đấy?”… Có hôm bà đang đi chợ thì bị hàng xóm kéo giật lại, hỏi: "Thế bao giờ con rể Tây đón bà sang bên kia chơi?". Bà Yến chỉ biết cười trừ: "Con rể tôi đang sửa nhà, các cháu bận nhiều việc lắm nên tôi chưa sang bên đó được".

Đúng như mong đợi của... hàng xóm, một hôm, Nhàn - con gái bà Yến - gọi điện về thông báo: "Mẹ ơi, chồng con chuẩn bị gửi giấy tờ bảo lãnh cho mẹ sang Đức chơi. Nhất định mẹ phải đi đấy nhé!".

Đúng lịch trình, bà Yến xách vali lên đường. Vừa xuống máy bay, bà đã nhìn thấy thằng con rể cao nghều giơ biển có dòng chữ: "Mẹ Yến ơi!!!". Con rể không nói được tiếng Việt nhưng bà nói gì nó cũng cười hớn hở rồi gật gù ra vẻ hiểu chuyện. Về đến nhà con rể, nhìn thấy con gái đang bế thằng cháu ngoại đứng ngoài cửa, bao nhiêu mệt mỏi sau chuyến bay dài tan biến, nét mặt bà Yến rạng rỡ trở lại.

Bà chưa kịp bế cháu ngoại thì một người phụ nữ cao tầm 1m8 bất ngờ tiến đến, dang tay ôm chầm lấy bà. Biết mẹ quá bất ngờ nên Nhàn phải giải thích ngay: "Giới thiệu với mẹ, đây là mẹ chồng con. Biết hôm nay mẹ sang chơi nên mẹ chồng con đến đây từ rất sớm để đợi mẹ đấy".

Lần đầu tiên được gặp bà sui Tây, lại nhận cái ôm quá bất ngờ nên bà Yến rất xúc động. Khỏi phải nói, người cảm thấy hạnh phúc nhất lúc này chính là Nhàn. Cô đã mong mỏi giây phút hai bà mẹ gặp nhau từ rất lâu, cảnh tượng diễn ra trước mắt khiến cô nghĩ mình đang mơ.

Thế nhưng chẳng hiểu sao, bầu không khí vui vẻ nhanh chóng tan biến, bữa trưa diễn ra khá nặng nề, nét mặt của bà Yến rất lạ, bà cũng không hay cười như lúc trước. Đợi mẹ chồng về, Nhàn mới đến gần mẹ đẻ hỏi han: "Mẹ thấy mệt ạ?". Bà Yến bức xúc: "Con ơi! Nhìn mẹ khổ sở lắm à? Tại sao bà ấy lại đưa tiền cho mẹ? Bà ấy không nên làm như thế". Vừa nói, bà Yến vừa xòe tờ 50 euro cho con gái xem: "Con cầm lấy nhé, hôm nào khéo léo gửi lại bà ấy hộ mẹ, mẹ không thiếu tiền".

Nhàn cười như nắc nẻ: "Ối mẹ ơi, mẹ chồng con quý mẹ nên mới tặng tiền, không phải bà ấy nghĩ mẹ nghèo hay khổ sở đâu. Phong tục bên này như thế, mẹ cứ cầm lấy cho mẹ chồng con vui". Thấy con gái giải thích có vẻ hợp lý, bà Yến tạm yên lòng.

Một hôm bà sui Tây mời bà Yến và vợ chồng Nhàn đến nhà riêng để dùng bữa tối. Thấy cháu ngoại bé xíu đã phải ngồi riêng một ghế, ngực đeo khăn ăn, tay cầm thìa xúc thức ăn từ đĩa rồi đưa lên miệng, nhưng cứ gần đưa đến miệng thì thức ăn lại rơi hết ra ngoài, có lúc thằng bé phải bỏ cả thìa để bốc bằng tay, lúc thì cho lên miệng, lúc thì ném xuống sàn nhà. Chứng kiến cảnh cháu ngoại tự ăn, bà Yến xót ruột chạy đến cầm thìa xúc một miếng thật to định đưa vào miệng cháu thì bị bà sui Tây chặn lại, bà ấy không nói gì mà chỉ lắc đầu, ý muốn nhắc nhở bà Yến cứ để cháu tự ăn.

Trên đường về nhà con rể, bà Yến không ngừng "tra tấn" Nhàn: "Bà nội chăm cháu kiểu này thì chết, bảo sao mặt thằng bé quắt thế, cháu đã lười ăn thì bà phải dỗ cháu ăn bằng được chứ, đằng này...". Lúc đó, Nhàn cũng không biết giải thích với mẹ thế nào, hôm trước bà nội bé Sammy cũng phàn nàn: "Sao bà ngoại Sammy lạ thế thế hả con? Phải để thằng bé tự ăn tự uống chứ. Có hôm bà ấy còn đuổi thằng bé khắp nhà để ép nó ăn nữa. Mẹ không thể hiểu được bà ngoại Sammy".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm