pnvnonline@phunuvietnam.vn
Suy tim do biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một bệnh phổi thường gặp ở những người trên 40 tuổi có thói quen hút thuốc lá. Căn bệnh này gây ra tình trạng khó thở, thở hụt hơi, đau tức ngực và làm hạn chế các hoạt động thể chất của người mắc bệnh. COPD cũng gây ra khá nhiều biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe.
Suy tim do biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được chứng minh là một trong những nguyên nhân hàng đâu gây tử vong ở người mắc COPD. Vì vậy, người bệnh cần nắm rõ được các dấu hiệu nhận biết của suy tim do biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cũng như cách phòng ngừa để giảm thiểu rủi ro cho bản thân.
1. Tại có tình trạng suy tim do biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính?
Người mắc bệnh COPD thường có tình trạng huyết áp cao trong động mạch phổi được gọi là tăng áp động mạch phổi. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng rối loạn suy tim bên phải.
Ở những người mắc COPD bị tăng áp động mạch phổi, những thay đổi trong các mạch máu nhỏ bên trong phổi có thể dẫn đến tăng huyết áp ở tâm thất phải. Điều này khiến tim khó bơm máu lên phổi hơn. Nếu áp suất cao này tiếp tục, nó sẽ gây căng thẳng ở phía bên phải của tim. Sự căng thẳng đó có thể gây ra chứng suy tim.
Người mắc COPD cũng thường xuyên gặp tình trạng lượng oxy trong máu thấp do chức năng của phổi bị suy giảm. Tình trạng oxy máu thấp kéo dài cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy tim do biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
2. Dấu hiệu nhận biết suy tim do biến chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Không phải người mắc COPD nào cũng dẫn đến biến chứng suy tim. Tuy nhiên, Theo Hiệp hội Lồng ngực Hoa Kỳ, gần 30% bệnh nhân COPD cuối cùng phát triển thành suy tim bên phải. Đây là tỷ lệ cao gấp đôi so với dân số nói chung.
Các dấu hiệu nhận biết của 2 bệnh khá tương đồng nhau (suy tim do biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và suy tim ở người không mắc COPD), tuy nhiên người mắc COPD cần chú ý các dấu hiệu suy tim hơn người bình thường. Bởi đây là biến chứng nguy hiểm cho người mắc phổi tắc nghẽn mãn tính chỉ sau suy hô hấp cấp.
Suy tim do biến chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thường gây ra tình trạng cơ thể thiếu hụt năng lượng, chóng mặt và phù chân.
Các dấu hiệu của suy tim bao gồm:
- Đau ngực hoặc có cảm giác khó chịu như bị đè, ép ở ngực.
- Đau hoặc khó chịu ở hai cánh tay, lưng, bụng, hàm hoặc cổ.
- Khó thở kèm theo cảm giác khó chịu ở ngực.
- Đổ mồ hôi lạnh, buồn nôn hoặc choáng váng.
- Chóng mặt đột ngột.
3. Cách phòng ngừa biến chứng suy tim ở bệnh nhân COPD
Như bạn có thể thấy, hầu hết các vấn đề về tim liên quan đến COPD đều xảy ra do tình trạng viêm và chức năng phổi kém dẫn đến lượng oxy trong máu thấp. COPD càng nặng, nguy cơ biến chứng suy tim càng cao do chức năng phổi suy yêu và oxy máu giảm.
Do đó, cách duy nhất để ngăn ngừa các biến chứng tim nếu bạn bị COPD là ngăn chặn tình trạng phổi bị tổn thương nặng hơn; giữ cho phổi của bạn hoạt động hiệu quả nhất có thể. Điều đó đồng nghĩa với việc người bệnh nên tuân theo kế hoạch điều trị COPD và bảo vệ phổi khỏi khói thuốc, chất gây dị ứng và chất ô nhiễm.
Dưới đây là một số cách cụ thể giúp ngăn ngừa suy tim do biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính:
- Bỏ hút thuốc: Hút thuốc có thể làm tăng huyết áp, làm hỏng mạch máu và giảm nồng độ oxy trong máu.
- Kiểm soát các triệu chứng COPD theo kế hoạch điều trị; tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ nếu bạn không thể tự kiểm soát các triệu chứng của mình.
- Nếu bạn bị ngưng thở khi ngủ, nên sử dụng máy CPAP/ BiPAP mỗi khi bạn ngủ để ngăn ngừa tình trạng giảm oxy máu vào ban đêm.
- Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn nhiều đường và muối.
- Luyện tập thể dục đầy đủ để cải thiện lưu thông máu và giữ cho tim và cơ dùng trong hoạt động thở của bạn khỏe mạnh.
- Sử dụng các loại thuốc như thuốc giãn phế quản và corticosteroid theo chỉ định của bác sĩ.
- Duy trì cân nặng và chỉ số BMI hợp lý để giảm áp lực cho tim.
- Giảm căng thẳng để giữ cho huyết áp và nhịp tim của bạn ở mức bình thường. Tìm cách điều trị nếu bạn mắc chứng lo âu hoặc trầm cảm.