Mâu thuẫn với chính quê hương của mình
Nhà văn Svetlana Alexievichsinh năm 1948 tại thị trấn Stanislav, Ukraine, kể từ năm 1962 thị trấn này được đổi tên thành Ivano-Frankivsk. Bà được sinh ra trong gia đình có cha là người Belarus và mẹ là người Ukraine. Sau khi cha bà kết thúc thời gian phục vụ trong quân ngũ, gia đình bà chuyển sang sinh sống tại Belarus. Học hết phổ thông, nữ văn sỹ theo học nghề báo tại Đại Học Minsk từ năm 1967 và tốt nghiệp năm 1972. Sau khi tốt nghiệp bà được nhận làm phóng viên cho một tờ báo địa phương ở thành phố Narovl.
Nữ nhà vănSvetlana Alexievich xuất sắc vượt qua nhiều ứng cử viên nặng ký để giành giải Nobel văn học 2015 |
Những bài báo cũng như những tác phẩm văn chương của bà luôn thể hiện một cách thẳng thắn và quyết liệt các quan điểm chính trị có phần trái ngược với chính phủ Belarus, chính vì vậy bà cũng như văn chương của bà không được hoan nghênh tại chính quê hương của mình. Năm 2000, nữ nhà văn đã buộc phải rời quê hương Belarus. Sau đó, bà được Mạng lưới các thành phố tị nạn quốc tế (The International Cities of Refuge Network) cung cấp nơi ở trong vài năm tại Pari, Pháp. Bà nhận được học bổng và được cung cấp chỗ cư trú tại Stockholm, Thụy Điển và Berlin, Đức. Tại đây, nữ văn sỹ đã trở thành khách của chương trình nghệ sĩ Berlin thuộc Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD). Đến năm 2011, mặc cho đời sống tự do có phần bị hạn chế do bà vẫn giữ thái độ đối lập với chế độ ở Belarus, nữ văn sỹ vẫn trở về sinh sống và làm việc ở Minsk.
Người viết văn bị ám ảnh bởi chiến tranh
Lịch sử luôn là nguồn cảm hứng dạt dào cho những trang viết của nữ văn sỹ nhưng không phải là lịch sử sự kiện theo chiều dài thời gian mà là lịch sử của những cảm xúc. Mỗi tác phẩm của bà lại mở ra cho người đọc một thế giới tình cảm phong phú. Cuốn sách đầu tay của nữ văn sỹ có tên tiếng Anh là “War's Unwomanly Face”(Mặt phi nữ tính của chiến tranh) được xuất bản năm 1985 và đã được tái bản nhiều lần, với hơn 2 triệu bản được bán ra tại 19 quốc gia như Mỹ, Đức, Anh, Nhật Bản, Thụy Điển, Pháp, Trung Quốc, Bulgary, Ấn Độ. Con số gần một triệu phụ nữ Liên Xô tham gia thế chiến thứ II chính là nguồn dẫn cho tác phẩm đầu tay này của nữ văn sỹ. Tác phẩm dường như chỉ đơn thuần là lời độc thoại của một người phụ nữ đã trải qua cuộc Chiến tranh thế giới thứ II, nhưng nó đã phản ánh lên cuộc sống của hàng trăm người phụ nữ khác. Tác phẩm tiêu biểu này cũng đã được nhà văn Nguyên Ngọc dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ” và được Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành.
Các tác phẩm của nữ văn sỹ đều bị ám ảnh bởi đề tài chiến tranh. Những trang văn không phải là lịch sử theo thời gian mà là lịch sử theo cảm xúc |
Ngoài đề tài chiến tranh, nhà văn Alexievich còn gặt hái được nhiều thành công khi viết về hậu quả của thảm họa hạt nhân Chernobyl - 1986 trong tiểu thuyết có tựa đề tiếng Anh“Voices From Chernobyl” (Những giọng nói từ Chernobyl). Với tác phẩm này bà đã được trao giải sách Leipzig về Thông cảm châu Âu 1998. Và vào năm 2010, bộ phim ngắn dựa trên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng trên được sản xuất bởi đạo diễn Irish Juanita Wilson đã được đề cử cho giải Oscar.
Sự nghiệp văn chương tỏa sáng từ cách tiếp cận của một nhà báo
Với xuất phát điểm là một nhà báo, nữ văn sỹ Svetlana Alexievich đã tận dụng chất liệu phỏng vấn để làm nên tính chân thực, đa dạng cho những tác phẩm văn chương của mình. Trong suốt sự nghiệp viết văn, bà đã từng phỏng vấn hàng nghìn nhân chứng của những sự kiện gây chấn động lớn nhất khối Liên Xô bao gồm, Thế chiến thứ II, Chiến tranh Liên Xô - Afghanistan (1979 - 1989), sự sụp đổ của Liên Xô (1991) và thảm họa hạt nhân Chernobyl (1985).
Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển, bà Sara Danius đã nói: “Nữ văn sĩ đã thực hiện hàng ngàn cuộc phỏng vấn với trẻ em, phụ nữ và đàn ông, bằng cách này bà cho thấy lịch sử nhân loại đồng thời cho chúng ta biết về lịch sử cảm xúc và lịch sử tâm hồn”.
"Tôi ghi lại lịch sử, nhưng bằng cảm xúc với những con người đã sống sót qua lịch sử" |
“Tôi khám phá cuộc sống bằng cách quan sát từng sắc thái, chi tiết. Bởi vậy, sự quan tâm của tôi đối với cuộc sống không đơn thuần chỉ là sự kiện, không đơn thuần chỉ là chiến tranh, không đơn thuần chỉ là Chernobyl và không đơn thuần là sống-chết. Những gì mà tôi quan tâm luôn xảy ra bên trong mỗi con người, xảy ra trong thời đại của chúng ta. Cách mà con người cư xử và đối đãi với nhau” – những dòng tâm sự của nhà văn được bà chia sẻ trên trang cá nhân.
Cũng chính vì đề tài cùng cách thực hiện rất “báo chí”, đã có không ít người từng hỏi rằng có phải bà chỉ đang làm công việc đơn thuần là ghi chép lại lịch sử như một nhà báo hay không. Đứng trước nghi vấn đó, bà Svetlana Alexievich đã đáp trả rằng: "Tôi ghi lại lịch sử, nhưng bằng cảm xúc với những con người đã sống sót qua lịch sử".
Trong một cuộc phỏng vấn trước đây, nhà văn Alexievich đã từng chia sẻ về phương pháp tiếp cận vấn đề mới lạ của mình: “Tôi vẫn luôn tìm kiếm một phương pháp biểu đạt sao có thể mô tả cuộc sống thực nhất. Cuộc đời thực luôn thu hút tôi như nam châm, nó ám ảnh và như thôi miên tôi. Tôi muốn nắm bắt nó và phô bày lên những trang viết. Đó là cách tôi nghe và nhìn thấy thế giới, cũng là cách mắt và tai của tôi hoạt động đúng chức năng, tinh thần và tình cảm của tôi sẽ đầy đủ. Bằng cách này tôi có thể đồng thời là một nhà văn, nhà báo, nhà xã hội học, tâm lý học và nhà giảng đạo”.
Ông Bjorn Wiman, biên tập viên văn hóa của báo Thụy Điển Dagens Nyheter đã có những nhận xét về cách viết văn đặc biệt của bà Alexievich rằng: “Tác phẩm của bà ấy nằm trên ranh giới giữa tiểu thuyết và phim tài liệu, một thể loại chưa từng được trao giải”. Dường như, sự pha trộn giữ thể loại báo chí và văn chương đã tạo nên một điểm nhấn không thể nhầm lẫn, một lối hành văn chân thực, giàu cảm xúc mà chỉ có thể tìm thấy được ở chủ nhân của giải Nobel văn học 2015, nhà văn Svetlana Alexievich.