Tái bản tiểu thuyết ít người biết của nhà thơ Nguyễn Bính

17/02/2016 - 11:46
Không nhiều người biết rằng, bên cạnh vườn thơ đầy màu sắc, Nguyễn Bính còn viết tiểu thuyết. Cuốn “Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội” mà thi sĩ viết năm 22 tuổi vừa được NXB Văn học và Tao Đàn Books khôi phục theo ấn bản của NXB Lăng Tuyết năm 1940.

Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội xoay quanh hai nhân vật là Điệp và Tuấn. Điệp, mang nhiều hình ảnh của Nguyễn Bính, còn Tuấn, được hiểu là Nguyễn Tuấn Trình, tức Thâm Tâm. Ngoài đời thực, Nguyễn Bính và Thâm Tâm là hai người bạn rất thân. Bên cạnh đó, còn có hai thi sĩ khác trong câu chuyện thì thi sĩ Trần là Trần Huyền Trân, và thi sĩ Quang là Phạm Quang Hòa của bút nhóm Bắc Hà. Vì thế, dễ thấy tiểu thuyết mang nhiều tính tự sự của chính tác giả về  tình bạn, tình yêu, cũng như về thời đại mà ông đang sống.

 

Câu chuyện bắt đầu bằng một chủ nhật dạo chơi của hai người bạn từ hai đầu Hà Nội nay về cùng ở trên gác trọ Hàng Dầu chỉ bởi họ chia sẻ với nhau nỗi thống khổ của kẻ thèm yêu nhưng thất tình, thất tình vì không tìm được người con gái nào ưng ý, tình yêu nào sâu sắc, đẹp đẽ, trọn vẹn. Với Điệp, đó là sự thất hứa của một nữ sĩ trên sông Thương chỉ vì chàng nghèo, không biện đủ sính lễ cưới xin theo thách cưới của bên nhà gái. Với Tuấn, đó là mối tình bất thành với người con gái yêu hoa ti-gôn.

Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội ở khởi điểm như thế, trong cách Điệp trêu Tuấn về bó hoa ti-gôn mà một cô bán hàng mời họ mua trong lúc xuống phố, tưởng chừng là một tác phẩm tiếp vào mạch vụ án văn chương u uẩn và kỳ bí, khởi đi từ truyện ngắn Hoa ti-gôn của Thanh Châu, qua thơ T.T.KH., đến câu chuyện về người tình ngây thơ tên Khanh của Thâm Tâm, để thành câu chuyện văn chương sôi nổi suốt một thời.

 

Nhưng không, câu chuyện rẽ ngoặt sang ngả khác, để chỉ bỏ lửng cho người đọc một chỉ dấu trên hành trình giải mã thơ về loài hoa tim vỡ, khi Điệp và Tuấn mang hoa đến viếng mộ một trinh nữ chết trẻ ở nghĩa trang dưới mạn Bạch Mai. Từ đấy, câu chuyện xoay quanh việc Điệp và Tuấn gây dựng tình yêu chung với người con gái yểu mệnh, nàng Vương Thị Hoàng Lan, tưởng tượng về nàng như một trang nữ nhi hồng nhan trinh liệt, lập hương án bài vị, lại còn sắp xếp chu tất lịch viếng mộ nàng. Gặp em gái Hoàng Diệp của nàng trong một lần viếng mộ, làm thân, rồi về ở trọ trong trại nhà nàng với mẹ và em nàng, tình yêu của họ dành cho nàng Hoàng Lan đã chết ngày càng sâu đậm, đến mức người em gái xứng là một trang giai nhân tuyệt sắc cũng không khiến họ động lòng. Cho đến một hôm Điệp phát hiện trong cái gối mà Hoàng Lan thêu hình bướm rất đẹp mà Điệp vẫn hay ôm ấp cất giấu những ảnh và thư tình của nàng: Hoàng Lan cũng chẳng khác những thiếu nữ ngoài kia...

Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội sẽ khiến độc giả quan tâm đến thi sĩ Nguyễn Bính thực sự bất ngờ, bởi lối văn chương giản dị nhưng lại sâu sắc mang đầy tầng nghĩa. Một quyển tiểu thuyết nhẹ nhàng như hơi thở của thơ và thấm đẫm vào hồn người đọc những nghĩ suy về thân phận và tình yêu.

Nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966) tên thật là Nguyễn Trọng Bính, được coi là nhà thơ của làng quê Việt Nam với những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc.

Tác phẩm nổi bật của Nguyễn Bính: Chân quê, Lỡ bước sang ngang, Những bóng người trên sân ga, Tương tư, Viếng hồn trinh nữ, Cô hái mơ, Cô lái đò, Tiểu đoàn 307, Đêm sao sáng…

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm