Tài khoản ngân hàng của người nghèo

19/09/2015 - 09:29
Nếu như tài khoản ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm được coi là những kênh tài chính của người khá giả thì Mobile Money xuất hiện như một giải pháp hữu hiệu cho những người thu nhập thấp.
CHIẾC ĐIỆN THOẠI “GIẢI QUYẾT TẤT CẢ”
Theo Hiệp hội di động toàn cầu (Global System Mobile Associations - GSMA), Mobile Money được định nghĩa là các dịch vụ kết nối khách hàng về mặt tài chính thông qua mạng di động. Mobile Money bao gồm các dịch vụ chi trả di động (giao dịch lẻ và thanh toán hoá đơn), chuyển tiền qua mạng di động, chuyển tiền giữa các thuê bao, những giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản qua máy di động… và những dịch vụ tương tự.

Mobile money hướng tới phục vụ đối tượng khách hàng nghèo, không có tài khoản ngân hàng

Đây là dịch vụ dành cho người nghèo không có tài khoản ngân hàng để giúp họ có thể tiếp cận với những dịch vụ tài chính cơ bản, góp phần xóa đói giảm nghèo. Với mô hình nhà cung cấp dịch vụ di động liên doanh với ngân hàng, những người sử dụng dịch vụ có thể nạp tiền vào tài khoản trên chiếc điện thoại di động của mình và chỉ qua một vài thao tác đơn giản trên máy là có thể “tùy nghi sử dụng” vào các mục đích: Thanh toán từ xa thông qua điện thoại di động, chuyển/nhận tiền, quản lý và lưu trữ tiền.
Bản chất của dịch vụ Mobile Money là chuyển đổi hình thức của tiền mặt sang tiền điện tử theo tỉ lệ 1:1. Đơn vị cung cấp dịch vụ Mobile Money không phải là đơn vị phát hành tiền điện tử vì không tạo ra lượng tiền mới đưa vào lưu thông, mà chỉ chuyển đổi hình thức của tiền mặt để khách hàng có thể sử dụng thanh toán theo 1 hình thức mới, tương tự như thẻ ATM hay một chiếc ví điện tử.
Hiện tại, đã có gần 200 dự án Mobile Money triển khai ở gần 100 nước trên thế giới, gấp 10 lần so với 3 năm trước. Dự kiến, đến năm 2015 sẽ có khoảng 1 tỉ khách hàng có cơ hội tiếp cận với loại hình dịch vụ này và có khả năng sẽ tăng nhanh trong những năm tiếp theo.
Hiện nay, dịch vụ Mobile Money thành công nhất là M-PESA được cung cấp bởi tập đoàn viễn thông Safaricom của Kenya từ năm 2007. M-PESA nhanh chóng được sử dụng phổ biến bởi nhiều người nhập cư đang làm việc tại các thành phố muốn gửi tiền về cho gia đình ở quê nhà. Còn ở Đông Nam Á, Philippines là quốc gia dẫn đầu trong việc tiếp nhận hình thức thanh toán di động. Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong khu vực về dịch vụ này.
Ngoài tác dụng chuyển tiền, dịch vụ Mobile Money còn có ưu thế vượt trội so với một số dịch vụ tài chính thông thường khác. Dù tài khoản M-PESA không trả lãi suất nhưng nhiều người vẫn coi đó như một tài khoản tiết kiệm nho nhỏ, có thể nạp vào những khoản tiền nhỏ được tiết kiệm hàng tháng để xử lý các tình huống chi phí bất ngờ phát sinh.
Mới nhưng không lạ
Tại Việt Nam, Mobile Money vẫn còn là một dịch vụ thanh toán tương đối mới, với cả Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cũng như các công ty cung cấp giải pháp. Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 70% dân số chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng nhưng lại có trên 100 triệu thuê bao di động. Điều đó cho thấy tiềm năng to lớn trong việc phát triển loại hình dịch vụ này.

 Ví điện tử MoMo của Vinaphone là một trong những dịch vụ Mobile Money đầu tiên tại Việt Nam

Ví điện tử MoMo của Vinaphone là một trong những dịch vụ Mobile Money đầu tiên hoạt động tại Việt Nam. Các tiện ích của Ví MoMo đều được tích hợp sẵn trên Menu của SIM nhằm đảm bảo tính bảo mật tối đa (các giao dịch đều được mã hóa theo chuẩn cao nhất) và thuận tiện cho khách hàng khi sử dụng, khách hàng chỉ cần lựa chọn các tiện ích cần sử dụng và thao tác trực tiếp trên Menu sẵn có trên SIM.
Gần đây, dịch vụ BankPlus của Viettel đã vượt lên dẫn đầu lượng khách hàng, với hơn 3 triệu thuê bao và liên kết được với 14 ngân hàng hàng đầu Việt Nam.
Việc triển khai thành công Mobile Money là nền tảng để triển khai các chương trình xã hội như tài chính vi mô, giải ngân đến tận tay người dân trong các chương trình xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ thiên tai lũ lụt hoặc các đối tượng bảo trợ xã hội. Đặc biệt, Mobile Money rất thuận tiện trong những trường hợp khẩn cấp. Với Việt Nam, nơi thường gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, Mobile Money có thể đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động xã hội, từ thiện, cứu trợ…
Điều quan trọng nhất hiện nay, đó là các nhà cung cấp dịch vụ cần cho người dùng cơ hội trải nghiệm, đồng thời thuyết phục họ về khả năng bảo mật của phương thức thanh toán này. Với xu hướng của xã hội hiện đại và sự phát triển công nghệ, với mức chi phí chấp nhận được, dịch vụ này được coi là một nguồn doanh thu đáng kể của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm