pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Tai nạn của tàu Titan sẽ không làm chùn bước giới siêu giàu"
Tiến sĩ Adele Doran, giảng viên về du lịch mạo hiểm và giải trí tại Đại học Sheffield Hallam ở Anh, cho biết tai nạn của tàu Titan sẽ không làm giảm niềm yêu thích về du lịch mạo hiểm của giới siêu giàu: “Tôi nghĩ người dư dả tài chính luôn có nhu cầu tiềm ẩn với loại hình du lịch khám phá kiểu này. Cần rất nhiều tiền để làm việc này và sẽ luôn có những người sẵn sàng chi tiền”.
Không chỉ chuyến thám hiểm ngắm xác tàu Titanic, giới siêu giàu còn sẵn sàng chi trả cho chuyến thám hiểm tới vực sâu của rãnh Mariana trị giá 750.000 USD của EYOS Expeditions, hay những chuyến thám hiểm vũ trụ trị giá 450.000 USD. Hamish Harding, một trong những nạn nhân trong vụ nổ tàu Titan, cũng đã từng lên vũ trụ vào năm ngoái.
Doran cho biết, đối với người có tiền, họ không ngại đi sâu hàng nghìn mét dưới đáy biển, đặt chân đến vùng xa xôi nhất của hành tinh để ngắm băng trôi hay khám phá bên ngoài không gian - hành trình nguy hiểm hơn gấp 10.000 lần so với thám hiểm Nam Cực.
Nghiên cứu về các bài đăng trên mạng xã hội cho thấy khách du lịch mạo hiểm thường đề cập đến việc họ đã leo lên độ cao nào hoặc họ đã đi bao xa. Việc khoe khoang và tự hào về hành trình thám hiểm của họ dường như đã trở thành phong cách sống.
Thị trường kinh doanh tour du lịch mạo hiểm là một thị trường ngách bởi vừa đắt vừa tiềm ẩn nguy cơ chết người. Bản thân những người sẵn sàng chi trả cho các hoạt động du lịch cũng mong muốn chuyên gia giúp họ giảm thiểu rủi ro, bởi không ai muốn mắc kẹt ở vùng biển tối tăm, nơi sa mạc khô cằn không có máy bay trực thăng đi qua. Tuy nhiên, không vì thế mà nhu cầu du lịch mạo hiểm của giới siêu giàu sẽ giảm đi.
Thấy được gì nếu mổ xẻ theo góc độ tâm lý?
Ellen Langer, một nhà tâm lý học Harvard chuyên về nhận thức xã hội, nói rằng một lý do họ sẵn sàng chi trả là vì họ muốn thoát khỏi vòng lặp bình thường của cuộc sống hằng ngày. Cô nhận định: “Nhiều người trong chúng ta không thực sự đang sống và vì thế không suy nghĩ đủ sâu về cuộc đời. Làm một thứ gì đó nguy hiểm có thể giúp chúng ta rèn luyện sự chánh niệm. Đáng buồn là nhiều người không hiểu rằng, rèn luyện kỹ năng suy nghĩ sâu thì không nhất thiết phải dấn thân vào nơi nguy hiểm”.
Peter Anderson, giám đốc điều hành công ty du lịch cao cấp Knightsbridge Circle, nói với tờ Times rằng người giàu đã quá quen với những kỳ nghỉ xa xỉ, đến mức họ phải tìm đến các trải nghiệm độc đáo và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Đôi khi, nhu cầu được thúc đẩy chủ yếu bởi cảm giác tò mò.
Triệu phú Victor Vescovo là người đầu tiên một mình lặn xuống điểm sâu nhất của Đại Tây Dương. Ông nói: “Tôi đoán điều thúc đẩy tôi là cảm giác tò mò vốn được nuôi dưỡng trong tôi khi tôi còn là một đứa trẻ. Tôi luôn muốn biết và khám phá thật nhiều”.
Ngoài ra, nhiều người thành công cho rằng họ có khả năng đạt được thành tựu trong mọi lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực họ không có kinh nghiệm. Vì thế, họ tin rằng du lịch mạo hiểm chỉ là một thách thức mà họ cần phải trải qua để cảm thấy trọn vẹn hơn.