pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tại sao đập Hoover được coi là công trình vĩ đại của nước Mỹ?
Cao hơn 221m, Hoover là một trong những con đập cao nhất ở Mỹ, đồng thời là 1 trong 7 công trình xây dựng vĩ đại nhất tại quốc gia này. Đây là một dự án xây dựng lớn và mất tới hơn 5 năm (1931 - 1936) để hoàn thành, với sự tham gia của hàng chục nghìn công nhân.
Theo đó, tổng cộng có tới 21.000 người đã tham gia xây dựng đập Hoover, với trung bình có 3.500 người và tối đa là 5.218 người mỗi ngày được ghi nhận vào tháng 6 năm 1934. Lúc bấy giờ, quỹ lương trung bình hàng tháng là 500.000 USD.
Ban đầu được đặt tên là đập Boulder, sau đó công trình này được đặt là Hoover, theo tên của Tổng thống thứ 31 của Mỹ Herbert Hoover. Mặc dù thay đổi tên gọi nhưng vai trò thiết yếu của đập Hoover trong việc cung cấp điện cho các bang xung quanh vẫn được giữ nguyên trong hơn 8 thập kỷ.
Nằm ở ranh giới giữa Nevada và Arizona, đập Hoover được ví như kỳ quan kiến trúc khi không những cung cấp điện cho các bang xung quanh mà còn giúp kiểm soát lũ lụt, đồng thời đóng vai trò như một cây cầu bắc qua sông Colorado.
Theo các chuyên gia, đập Hoover tạo ra đủ năng lượng cho 1,3 triệu người mỗi năm, đóng một vai trò không thể thiếu trong sự phát triển của Las Vegas, thành phố sa mạc nổi tiếng ở Neveda (Mỹ).
Xây dựng đập Hoover vô cùng khó khăn
Dự án xây đập Hoover không những là một công việc lớn mà còn cực kỳ rủi ro của chính phủ Mỹ trong bối cảnh thế giới vừa trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế (1929 – 1933) được cho là tồi tệ nhất trong vài thế kỷ.
Tuy nhiên, cuộc đại suy thoái này cũng không thể ngăn cản được quá trình xây dựng đập Hoover bắt đầu khởi công vào năm 1931.
Trên thực tế, bất chấp môi trường làm việc mệt mỏi và những ca làm việc kéo dài, hàng trăm người lao động khi đó đã dựng trại ở gần đập để có cơ hội làm việc trong dự án. Điều này cũng cho thấy họ tuyệt vọng như thế nào để có thể tìm việc tại thời điểm đó.
Ngoài ra, một trong những kỳ tích của công trình thủy điện này chính là việc xây dựng nền móng của đập. Cụ thể, đập Hoover nằm trên đá cứng, nhưng lòng sông Colorado lại được tạo thành từ cát và sỏi rời rạc. Do đó, để đảm bảo độ ổn định của đập, các công nhân đã phải đào sâu xuống để tiếp cận lớp đá rắn và sau đó xây móng trên đó.
Một trong những điểm độc đáo nhất của công trình thủy điện này chính là thiết kế của nó. Hoover là một đập trọng lực vòm bê tông. Điều này có nghĩa là đập sử dụng trọng lượng của bê tông để giữ nước. Lượng bê tông này tương đương với khoảng 5 triệu thùng xi măng. Con số này bằng lượng bê tông mà Cục Cải tạo Mỹ đã sử dụng trong suốt 27 năm tồn tại trước đó.
Mặt khác, đập Hoover cũng là một công trình đa năng khi nó phục vụ nhiều chức năng ngoài việc giữ nước. Đây cũng là lý do đập Hoover có một nhà máy thủy điện. Con đập này tạo ra điện bằng cách tiến hành xả nước từ hồ Mead qua các turbine được kết nối với máy phát điện.
Trên thực tế, nhà máy điện của đập Hoover hoạt động rất hiệu quả và có khả năng tạo ra đủ điện để cung cấp cho hàng triệu ngôi nhà tại phía tây nam nước Mỹ. Bên cạnh việc phát điện, công trình này còn cung cấp nước tưới tiêu cho nông dân ở phía Tây Nam.
Đập Hoover còn được trang bị một số công nghệ tiên tiến để giúp nó hoạt động hiệu quả. Chẳng hạn, công trình có một đập tràn với mục đích xử lý lượng nước khổng lồ chảy qua đập trong mùa lũ. Đập tràn được thiết kế nhằm dẫn nước thừa ra khỏi đập và sau đó đổ vào sông Colorado, giúp con đập không bị hư hại.
Theo các chuyên gia, đập Hoover không chỉ là một phần chức năng của cơ sở hạ tầng. Thay vào đó, đây còn là một tác phẩm nghệ thuật. Bởi thiết kế trang trí nghệ thuật của đập Hoover là một minh chứng cho sự tiến bộ và lạc quan, sự kết hợp giữa vẻ đẹp, chức năng và đổi mới trong thời gian nó được xây dựng.
Đó cũng có thể là những lý do khiến đập Hoover trở thành một điểm đến không thể bỏ qua đối với bất kỳ ai quan tâm đến kỹ thuật hoặc kiến trúc.
Đặc biệt, đập Hoover là công trình dường như đi ngược lại quy luật vật lý với hiện tượng kỳ lạ nước chảy ngược lên trên. Theo đó, các du khách khi tới tham quan đập Hoover đều thử cầm chai nước đứng ở trên đỉnh đập để đổ nước xuống. Thay vì phải chảy xuống chân đập, nước trong chai lại chảy ngược và bay lên trên. Nguyên nhân của hiện tượng lạ này là do những luồng gió cực mạnh theo hướng đi lên được hình thành trong thiết kế hình vòm của con đập.