pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tại sao giải Nobel của Marie Curie lại có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với khoa học hiện đại?
Sinh ra ở Ba Lan vào năm 1867 nhưng nhập quốc tịch Pháp, Marie Curie (tên khai sinh là Maria Salomea Skłodowska) ngày nay đã trở thành một cái tên quen thuộc. Nhưng rất lâu trước khi trở thành một nhà khoa học được nhiều người tôn kính, Marie Curie là một đứa trẻ tò mò với trí nhớ tuyệt vời và niềm yêu thích học hỏi mãnh liệt - có lẽ một phần là do ảnh hưởng của cha mình, một giáo viên toán và vật lý (thông qua Britannica).
Tuy nhiên, con đường để trở thành một nhà khoa học được thế giới công nhân của bà lại không hề dễ dàng. Phụ nữ vào thời điểm đó không được phép vào các trường đại học của Nga hoặc Ba Lan, vì vậy đã có những khoảng thời gian bà phải tìm kiếm kiên thức nhờ vào những gia sư (theo Atomic Archive). Mãi cho đến khi chuyển đến Paris, Marie Curie mới được phép vào học tại một trường đại học - Sorbonne danh tiếng - theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu hóa học và vật lý của mình. Cuối cùng bà đã trở thành nữ giáo viên đầu tiên của trường đại học này.
Khi 26 tuổi, bà đã làm việc tại một phòng thí nghiệm nghiên cứu và một năm sau, bà gặp Pierre Curie, người không chỉ trở thành chồng mà còn là đối tác nghiên cứu của bà. Sau khi nhà khoa học Henri Becquerel phát hiện ra hiện tượng phóng xạ vào năm 1896, vợ chồng Marie Curie đã tập trung nghiên cứu về vấn đề này và sớm phát hiện ra các nguyên tố polonium và radium (từng đoạt giải Nobel). Ngay cả khi đó, con đường để được cộng đồng khoa học công nhận của hai vợ chồng bà vẫn rất khó khăn. Hầu hết công việc trong phòng thí nghiệm của Marie Curie đều được thực hiện khi bà làm luận án tiến sĩ, theo Tạp chí Smithsonian.
Dựa trên công trình của Becquerel và Wilhelm Röntgen (người đã phát hiện ra tia X vào năm 1895), Marie Curie đã dành những năm tiếp theo của cuộc đời mình để nghiên cứu uranium và tìm hiểu bức xạ tự phát do nó gây ra. Cuối cùng, vợ chồng nhà Curies đã tách được polonium và radium, Marie Curie gọi các nguyên tố này là "hoạt chất phóng xạ" — cái tên mà chúng vẫn được biết đến cho đến ngày nay, theo báo cáo của Tạp chí Smithsonian.
Marie Curie đã dành nhiều năm làm việc trong phòng thí nghiệm với cơ sở vật chất tồi tàn, không có hệ thống thông gió thích hợp và không được tiếp cận với vật liệu cũng như công cụ cần thiết để cô lập và nghiên cứu đúng cách các nguyên tố phóng xạ mới mà bà đã phát hiện ra. Tạp chí Smithsonian chỉ ra rằng việc bà có thể tiếp tục công việc của mình trong những hoàn cảnh này - và mặc dù bị ốm ngày càng thường xuyên hơn do tiếp xúc với bức xạ - đã là một thành tích đáng kể.
Cuối cùng, khi bà trình bày luận án về bức xạ tại Sorbonne vào năm 1903, bà đã trở thành người phụ nữ đầu tiên của Pháp nhận bằng tiến sĩ vật lý. Cùng năm đó, chồng bà và Henri Becquerel được đề cử giải Nobel Vật lý cho công trình nghiên cứu về bức xạ tự phát, nhưng cái tên Marie Curie đã bị bỏ qua vì bà là phụ nữ. Phải mất rất nhiều nỗ lực từ bên trong ủy ban đề cử thì Marie Curie mới được thêm vào danh sách đề cử. Theo đó, Marie Curie cũng trở thành người phụ nữ đầu tiên được trao giải Nobel (theo Viện Vật lý Hoa Kỳ).
Giải thưởng Nobel này sau đó đã có những tác động lớn đến công việc của Marie Curie. Số tiền kiếm được từ chiến thắng này đã giúp cải thiện phòng thí nghiệm và cặp đôi đã có thể thuê một trợ lý, mặc dù điều đó cũng khiến họ trở thành những người nổi tiếng và làm giảm năng suất của họ trong một thời gian (theo Viện Vật lý Hoa Kỳ).
Thật không may, Pierre Curie đã qua đời sau khi bị một chiếc xe ngựa đâm vào năm 1906, và Marie Curie buộc phải nén lại sự thương tiếc và tiếp tục công việc của mình trong khi nuôi dạy hai cô con gái. Được truyền cảm hứng bởi công việc và tài năng của bà, Sorbonne đã mời Marie đảm nhận lớp học mà chồng bà đã dạy trong nhiều năm, và vài tháng sau khi ông qua đời, bà đã làm đúng như vậy, trở thành nữ giáo sư đầu tiên tại Sorbonne.
Tuy nhiên, Marie Curie đã không từ bỏ công việc nghiên cứu của mình, bà tiếp tục tập trung vào việc cô lập các nguyên tố phóng xạ, cuối cùng cô lập được radium nguyên chất và chứng minh nó là một nguyên tố thuộc bảng tuần hoàn.
Bà đã thành công và vào năm 1911, Marie Curie đã giành được giải thưởng Nobel thứ hai, lần này là về hóa học, cho công việc khám phá ra polonium và radium, theo Tạp chí Smithsonian. Phát hiện này không chỉ ấn tượng về mặt khoa học mà còn mở ra nhiều cánh cửa trong y học. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra vào năm 1914, Marie Curie cùng với con gái Irène đã thành lập các trung tâm X quang quân sự đầu tiên, cứu sống vô số binh lính bằng cách giúp các bác sĩ xác định vị trí của đạn hoặc xương gãy. Cho tới nay Marie Curie vẫn là người phụ nữ duy nhất trong lịch sử nhân loại được trao hai giải Nobel trong hai lĩnh vực khoa học khác nhau.