Tại sao lại có 12.000 con cá sấu sông Nile sinh sống trong hồ giữa sa mạc?

Đức Khương
25/03/2023 - 11:01
Tại sao lại có 12.000 con cá sấu sông Nile sinh sống trong hồ giữa sa mạc?
Cá sấu là một trong những loài săn mồi hung dữ bậc nhất hành tinh, và tổ tiên của chúng là Deinosaurs thậm chí có thể cạnh tranh với khủng long ăn thịt cỡ lớn hay Titanoboa. Cho đến ngày nay, bất kỳ hệ thống nước nào có cá sấu tồn tại vẫn là vùng cấm mà nhiều sinh vật không dám bước vào.

Ở lục địa châu Phi rộng lớn, có một loài cá sấu to lớn và hung dữ: Cá sấu sông Nile. Nhưng sẽ như thế nào nếu có 12.000 con cá sấu sông Nile cùng sống ở một nơi? Chúng ta sẽ có được câu trả lời này khi đến hồ Turkana.

Tại sao lại có 12.000 con cá sấu sông Nile sinh sống trong hồ giữa sa mạc? - Ảnh 1.

Cá sấu sông Nile (Tên khoa học: Crocodylus niloticus) là loài cá sấu châu Phi lớn nhất và nổi danh là những kẻ ăn thịt người khét tiếng. Do đó chúng vừa bị ghét vừa được sùng kính trong nền văn hóa tín ngưỡng của người Ai Cập.

Kenya ở châu Phi là "thiên đường" đối với nhiều loài động vật hoang dã, với thảm thực vật dày đặc và những khu rừng tươi tốt, nơi đây là nhà của hàng vạn loài động vật, nhưng phía bắc Kenya lại hoàn toàn khác, đây là vùng đất cằn cỗi, cũng là "cơn ác mộng" của nhiều loài động vật hoang dã.

Bất cứ ai đặt chân đến đây cũng sẽ phải sững sờ trước khung cảnh trước mắt, đây là một sa mạc dài vô tận và hầu như không có sinh vật nào có thể sống được trên vùng cát nóng thiếu nước. Nhưng tại đây lại có một hồ nước màu xanh lục ẩn hiện giữa sa mạc, hồ nước hình quả cà tím này chính ngôi nhà của loài cá sấu: Hồ Turkana.

Tại sao lại có 12.000 con cá sấu sông Nile sinh sống trong hồ giữa sa mạc? - Ảnh 2.

Hồ Turkana nằm ở thung lũng Great Rift, Kenya. Đó là hồ trên sa mạc lớn nhất thế giới. Các khu vực xung quanh chủ yếu là núi lửa. Vườn quốc gia hồ Turkana là di sản thế giới UNESCO năm 1997 và được mở rộng vào năm 2001. Toàn bộ khu vực vườn quốc gia hồ Turkana cũng là nơi cư trú và dừng chân của hàng trăm loài chim, vô số loài động vật và đặc biệt đây là nhà của loài cá sấu sông Nile vô cùng quý hiếm.

Đây là hồ lớn nhất ở Kenya và là hồ kiềm lớn nhất thế giới, mặc dù được bao quanh bởi sa mạc nhưng hồ Turkana lại có vẻ ngoài giống như một viên ngọc bích dát trên sa mạc, vô cùng sáng chói.

Tổng diện tích của hồ Turkana là khoảng 6.500 km vuông, trong hồ có một số lượng lớn tảo xanh lam không độc. Chính vì số lượng lớn tảo lam mà hồ Turkana có màu xanh lam rực rỡ. 

Tại sao lại có 12.000 con cá sấu sông Nile sinh sống trong hồ giữa sa mạc? - Ảnh 3.

Hiện nay, dù chưa bị đe dọa tuyệt chủng thế nhưng quần thể cá sấu sông Nile tại nhiều quốc gia vẫn nằm trong danh sách nguy hiểm do số lượng đã sụt giảm đáng kể. Theo thống kê, cá sấu sông Nile có thể dài tới 5 m, con trưởng thành có thể nặng khoảng 225 kg nhưng cũng có những ghi nhận về các cá thể nặng tới 700 kg.

Không chỉ ấn tượng bởi vẻ đẹp cùng với màu sắc và kích thước, hồ Turkana còn sở hữu lớp trầm tích với những mẫu hóa thạch hàng nghìn năm tuổi. Các nhà địa chất học cho rằng chính bởi hoạt động của núi lửa mà địa chất của vùng lòng hồ và khu vực quanh hồ rất đặc biệt.

Nhưng đừng để vẻ ngoài xinh đẹp của nó đánh lừa, có rất nhiều nguy hiểm ẩn sau vẻ đẹp này, có một số lượng lớn cá sấu sông Nile châu Phi ẩn mình trong hồ hoặc trên bờ, chúng đang phơi nắng hoặc lặng lẽ chờ đợi con mồi tiến tới gần hồ.

Cá sấu sông Nile là loài cá sấu lớn nhất ở châu Phi, chúng chủ yếu phân bố ở lưu vực sông Nile ở châu Phi. Đây là một loài cá sấu vô cùng hung dữ, nếu như nhiều loài động vật hoang dã cảm thấy sợ hãi hà mã, sư tử, voi hay trâu rừng châu Phi thì loài này lại hoàn toàn không quan tâm đến sự có mặt của chúng. Ngoài ra, cá sấu sông Nile còn là một loài thường xuyên tấn công người và tàu thuyền.

Tại sao lại có 12.000 con cá sấu sông Nile sinh sống trong hồ giữa sa mạc? - Ảnh 4.

Bên cạnh kích cỡ khổng lồ được đánh giá là loài săn mồi nước ngọt lớn nhất thế giới, cá sấu sông Nile còn khiến con người khiếp sợ vì hàm răng sắc nhọn và lực cắn kinh hoàng. Bất cứ con mồi nào xuất hiện trong tầm ngắm của chúng gần như không thể tránh được cái chết, con người cũng không ngoại lệ.

Khi mặt trời mọc, những đàn cá sấu sẽ kéo nhau lên bờ tắm nắng. Đôi khi chúng sẽ há to miệng và nằm bất động trên bờ. Quần thể cá sấu trong hồ Turkana rất lớn, khoảng 12.000 con. Từ cái tên cá sấu sông Nile có thể thấy rằng cá sấu sông Nile chắc chắn phải sống ở sông Nile, nhưng tại sao lại có một lượng lớn cá sấu sông Nile sống ở hồ Turkana, nơi được bao quanh bởi các sa mạc?

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng hồ Turkana được hình thành từ hơn 30 triệu năm trước, tổ tiên của loài người Australopithecus cũng từng sinh sống bên hồ Turkana, họ đã chọn rời châu Phi và di cư đến những nơi khác ngoại trừ Nam Cực từ 50.000 năm trước. 

Thông qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng hồ Turkana sơ khai và sông Nile được kết nối với nhau, hồ Turkana nằm ở thượng nguồn sông Nile và cá sấu sông Nile sống ở sông Nile đã đi ngược dòng và đến Turkana.

Không lâu sau, khí hậu địa phương thay đổi, cát và sa mạc bắt đầu hình thành và chia cắt hồ Turkana với sông Nile, theo đó một lượng lớn cá sấu sông Nile ở đây cũng bị tách ra cùng với hồ Turkana.

Mặc dù xung quanh là sa mạc cằn cỗi nhưng khung cảnh trong hồ lại tràn đầy sức sống, trong hồ có nhiều loài cá như cá hổ, cá nhiều vây, cá chẽm… đặc biệt còn có những loài cá có thể dài hơn hai mét và nặng vài trăm kg - những con cá này cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho cá sấu sông Nile.

Tại sao lại có 12.000 con cá sấu sông Nile sinh sống trong hồ giữa sa mạc? - Ảnh 5.


Nguồn: Animalia; Unbelievable; ZME
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm