pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tại sao thủy đậu gây ngứa? Các biện pháp giảm ngứa khi bị thủy đậu là gì?
1. Tại sao bệnh thủy đậu gây ngứa?
Thủy đậu có thể bắt đầu bằng một cơn sốt hoặc cảm lạnh. Nhưng khi các nốt mụn nước xuất hiện, bạn mới bắt đầu phải đối diện với các triệu chứng khó chịu hơn. Đó chính là ngứa! Và có thể là đau nhức. Điều nguy hiểm là bạn sẽ bị kích thích gãi để giảm ngứa khi bị thủy đậu. Điều này sẽ khiến các nốt mụn bị vỡ ra, bội nhiễm và để lại sẹo. Vậy tại sao các nốt mụn nước này lại gây ngứa?
Mụn thủy đậu là những mụn nước chứa đầy chất lỏng. Các mụn nước này giải phóng các chất hóa học trong da của bạn, kích hoạt các dây thần kinh khiến bạn ngứa. Các dây thần kinh này ở lớp trên cùng của da.
Khi được kích hoạt, nó báo cho não biết "Có thứ gì đó trên da! Hãy loại bỏ nó!". Bộ não sẽ gửi một thông điệp trở lại bàn tay và cánh tay của bạn với nội dung: "Hãy gãi chỗ ngứa đó!". Đây là lí do khiến bạn nhiều lần vô thức gãi vào nốt mụn để giảm ngứa khi bị thủy đậu, mặc dù bạn không muốn.
2. Khi nào thì mụn thủy đậu hết ngứa?
Bạn có thể cảm thấy ngứa dữ dội không ngừng. Nhưng tin tốt là sau 3 đến 4 ngày, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn. Trong một tuần hoặc lâu hơn, các mụn nước sẽ đóng vảy và bạn sẽ không bị ngứa nữa.
Trong thời gian này, hãy cố gắng hết sức để không gãi và làm vỡ các mụn nước. Có khá nhiều cách giúp bạn giảm ngứa khi bị thủy đậu mà không cần gãi và làm tổn thương các nốt mụn.
3. Các phương pháp giảm ngứa khi bị thủy đậu
Dưới đây là một số phương pháp hỗ trợ giảm ngứa khi bị thủy đậu. Ngoài uống thuốc, bôi thuốc thì bạn cũng có thể tham khảo một số phương pháp giảm ngứa tự nhiên. Tùy cơ địa từng người sẽ có các tác dụng khác nhau. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn.
3.1. Sử dụng thuốc giảm ngứa khi bị thủy đậu
Calamine là loại kem dưỡng da rất phổ biến, lành tính và có hiệu quả cao trong giảm ngứa khi bị thủy đậu. Nó chứa oxit kẽm giúp làm dịu da rất nhanh. Bạn cần rửa sạch tay, hoặc dùng tăm bông để chấm và thoa kem Calamine lên vùng da bị ngứa. Chú ý không thoa kem ở gần mắt.
Bạn cũng có thể thử sử dụng tinh dầu bạc hà, tinh dầu long não, phenol, Aveeno Lotion,...
Các loại kem có chứa chất kháng histamine có tác dụng giảm ngứa khi bị thủy đậu khá tốt. Nhưng bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Thuốc kháng histamine đường uống có thể giúp bạn không gãi vào vết ngứa, đặc biệt là khi ngủ.
Ngoài thuốc giảm ngứa thì bạn cũng nên quan tâm tới Các thuốc hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng khi bị thủy đậu khác. Chẳng hạn như thuốc hạ sốt, thuốc bôi ngoài da,...
3.2. Tắm
Tắm bằng bột yến mạch có thể giúp làm dịu da và giảm ngứa nhanh chóng. Tuy nhiên, bạn cần chọn loại yến mạch đã được xay mịn để tránh làm trầy xước da. Pha 1 cốc yến mạch và bồn nước ấm để ngâm cơ thể tầm 10 phút. Sau đó tắm lại bằng nước sạch.
Một phương pháp khác là tắm bằng muối baking soda. Chỉ cần thêm 1 chén muối baking soda nhỏ vào bồn nước ấm. Ngâm cơ thể khoảng 15 phút. Việc này vừa giúp giảm ngứa khi bị thủy đậu, vừa giúp kháng khuẩn, phòng tránh nhiễm trùng da.
3.3. Chườm trà hoa cúc
Hoa cúc có khả năng khử trùng và chống viêm rất tốt. Do đó nó cũng có thể làm dịu các vùng da bị ngứa.
- Pha 2-3 túi trà hoa cúc và để nguội.
- Nhúng miếng bông mềm hoặc khăn mặt vào nước trà và đắp lên vùng da bị ngứa.
- Vỗ nhẹ da và để khô tự nhiên.
Bạn cũng có thể cho nước trà hoa cúc vào trong bồn nước ấm và ngâm mình trong đó.
3.4. Giảm ngứa khi bị thủy đậu cho trẻ nhỏ
Đối với trẻ nhỏ, việc giảm ngứa khi bị thủy đậu sẽ khó khăn hơn. Do đó, các bậc phụ huynh cần:
- Cắt ngắn móng tay cho trẻ.
- Ban đêm nên mang bao tay mỏng để tránh trẻ gãi làm trầy xước và làm vỡ các nốt mụn.
- Mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi. Cho trẻ vui chơi và làm việc nhẹ nhàng, tránh đổ nhiều mồ hôi. Bởi mồ hôi có thể kích ứng da gây ngứa hơn, và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Đánh lạc hướng trẻ, giúp trẻ quên đi cơn ngứa bằng cách chơi cùng trẻ, cho trẻ xem điện thoại, ti vi, chơi game, đọc sách,....
- Hỏi ý kiến của bác sĩ về các loại thuốc hỗ trợ giảm ngứa khi bị thủy đậu cho trẻ nhỏ.