Tạm giữ hình sự lái xe chở tôn làm chết 1 phụ nữ

26/09/2016 - 13:39
Trưởng công an quận Hà Đông cho biết, cơ quan này đã tạm giữ hình sự lái xe 3 gác chở tôn gây tai nạn khiến một phụ nữ 66 tuổi tử vong để điều tra làm rõ.

Liên quan đến vụ tai nạn hy hữu khiến một phụ nữ 66 tuổi tên là Bùi Thị Xuân tử vong ở Hà Đông, sáng nay Đại tá Vương Tiến Dũng, Trưởng công an quận Hà Đông cho biết, đã có quyết định tạm giữ tài xế này để điều tra, xử lý theo quy định.

Tài xế Trần Hữu Dần (Quốc Oai – Hà Nội) là người đã điều khiển chiếc xe ba gác chở nhiều tấm tôn lưu thông trên đường. Trong quá trình chở vật liệu cồng kềnh này, chủ xe đã buộc không cẩn thận dẫn tới tai nạn. Cụ thể, khi bà Bùi Thị Xuân đang đứng đợi xe khách bên đường thì anh Dần điều khiển xe đi qua, đến đoạn đường trên dây chun buộc tôn bị đứt, khiến tôn bị văng ra. Một tấm tôn đã cứa vào cổ bà Xuân khiến người phụ nữ này bị đứt khí quản, mất máu cấp.

Dù được người dân và chủ phương tiện đưa vào Bệnh viện Quân y 103 cấp cứu kịp thời nhưng vì vết thương quá hiểm, bà Xuân đã tử vong ngay sau đó.

tai-nan-3.jpg
Việc chở những tấm tôn quá khổ quá tải bằng xe xích lô, ba gác chẳng khác gì những máy chém lưu thông trên đường (Ảnh minh họa)

Trước đó, một tài xế xích lô cũng bị công an quận Hoàng Mai tạm giữ vì lỗi tương tự tài xế Trần Hữu Dần. Tài xế này dung xích lô chở tôn dừng dỗ trên phố, sau đó khiến một bé trai 9 tuổi lao vào xe, bị tôn cứa dẫn đến tử vong.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn luật sư Hà Nội), hành vi dẫn đến cái chết cho người đi đường của tài xế xích lô và tài xế xe ba gác có dấu hiệu phạm “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Cụ thể, theo qui định của Luật giao thông đường bộ năm 2008, qui định Phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ.

Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (gọi tắt xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.

 

Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm