Tâm sự của người làm nghề quan sát gà

19/08/2015 - 15:05
Một lần, vì cho đàn gà uống nhầm liều thuốc, khiến nhiều con bị chết, Huệ nhìn lũ gà mà không khỏi xót thương. Xuất phát từ tình yêu vật nuôi thủa nhỏ, Huệ đã không quản ngại khó khăn theo nghề bác sĩ thú y.
Trong khi nghề Bác sĩ Thú y là một trong những nghề có thu nhập cao ở Mỹ thì tại Việt Nam, công việc này vẫn chưa thu hút được giới trẻ. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ đã không hối tiếc khi chọn nghề này bởi đây là một công việc rất tiềm năng.

Mai Thanh Huệ, đang làm kỹ thuật tại Trung tâm Chín cựa (trung tâm chăn nuôi gà) của Tập đoàn DABACO ở Bắc Ninh, cho biết: “Từ bé mình đã rất yêu vật nuôi, đặc biệt là gà, vì thế mình đã quyết định học ngành Chăn nuôi thú y để... đi chăn gà. Cảm giác chăm sóc đàn gà, nhìn chúng lớn lên từng ngày thực sự rất thích. Càng làm, mình càng cảm thấy công việc này thú vị”.
Công việc của Huệ mỗi ngày là đến quan sát chuồng trại, xem thể trạng gà có tốt không. Ảnh do nhân vật cung cấp
Nhiều người nghĩ nghề này không phù hợp với con gái, nhưng Huệ cho biết, lớp ĐH của cô có khá nhiều nữ: 35 nữ, 25 nam; sinh viên nữ trong khoa cũng rất nhiều. Ở Trung tâm mà cô công tác, 13 kỹ thuật viên đều là nữ, chỉ có 2 nam phụ trách mảng thị trường.
 
Công việc của Huệ mỗi ngày là đến quan sát chuồng trại, xem thể trạng gà có tốt không; sau đó mổ những con gà bị chết, tìm ra lý do, để cho những con còn lại uống thuốc kịp thời. Huệ cũng thường lên lịch vắcxin cho 1 vòng đời của gà và bám sát lịch này.

Thanh Huệ cho biết trong quá trình đó, có nhiều kỉ niệm thực sự rất khó quên.

Khi học về buồng trứng của bò, bọn mình được thực hành. Tất nhiên là chỉ làm trên dạ con với trứng của con bò vừa chết, chứ còn bò sống thì chưa dám. Cảm giác lúc đó vừa sợ, vừa lạ, nhưng lại thấy rất thú vị.

Còn khi đi làm, lần đầu tiên mình biết rằng gà trống mái khi đem về nuôi thì cần cắt mỏ và móng để mỏ đỡ sắc và móng gà trống khi đạp mái không làm gà mái bị xây xát – Huệ chia sẻ.

Thời gian từ 1 đến 30 ngày đầu khi mới đem gà về nuôi sẽ hạn chế người vào chỗ nuôi, chỉ có 1 kỹ thuật 4 công nhân phụ trách. Những việc này mặc dù không khó nhưng yêu cầu phải làm rất cẩn thận.

Huệ kể về một lần sai sót, khi đàn gà bị nấm mề, thường sẽ cho uống thuốc CuSO4, “lần đó mình cho gà uống nhầm liều và hậu quả là gà bị chết rất nhiều. Nhìn lũ gà thương quá - bài học ấy mình không thể nào quên được”.

Đối với nghề thú y, cẩn thận là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu. Ngoài ra, các bác sĩ thú y còn phải biết kiên trì, tỉ mỉ và khéo léo. Huệ cho biết, hiện tại cô vẫn đang phải rèn luyện thêm tính kiên trì, bởi nếu như thiếu sự kiên trì, rất khó theo được nghề này lâu dài.

Đến với nghề thú y và tình yêu dành cho những vật nuôi dần dần nhen nhóm, Khắc Thị Luyến, sinh năm 1990, hiện là Trưởng ban chăn nuôi thú y tại UBND xã Minh Khai (Từ Liêm - Hà Nội) chia sẻ: “Mình thấy đây là một ngành học thú vị. Càng tiếp xúc nhiều với vật nuôi, mình càng có tình cảm với chúng”.
Luyến bảo: “Mình thấy đây là một ngành học thú vị. Càng tiếp xúc nhiều với vật nuôi, mình càng có tình cảm với chúng”. Ảnh nhân vật cung cấp
Cô cũng cho biết, nghề bác sĩ thú y cần sức khỏe tốt vì phải đi nhiều, vì thế nữ giới học ngành này vất vả hơn nam giới rất nhiều. Thêm vào đó, nhiều công ty kinh doanh thuốc và sản phẩm thú y chỉ tuyển nam giới nên cơ hội tìm việc của nữ bác sĩ thú y cũng ít hơn.

Luyến cho biết, nghề bác sĩ thú y là một công việc phù hợp với những người yêu động vật. Không chỉ làm việc trong các đơn vị quản lý về y tế, môi trường, trong các vườn thú, khu bảo tồn thiên nhiên... mà còn có thể làm ở bệnh viện chuyên khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho vật nuôi, thú cưng...

Bác sĩ thú y đứng ở vị trí số 12 với mức lương trung bình 82.900 USD/năm và tỷ lệ thất nghiệp thấp 0,6%; nhóm bác sĩ thú y được trả lương cao nhất lên tới 141.680 USD, thấp hơn bác sĩ nhân y không đáng kể.

(Top 25 công việc tốt nhất năm 2013 do tạp chí US News & World Report công bố)
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm