Tân sinh viên: Cẩn trọng với những sai lầm dễ mắc

Nguyễn Hương Thảo
05/09/2023 - 16:08
Tân sinh viên: Cẩn trọng với những sai lầm dễ mắc

Tân sinh viên bước vào cánh cửa trường đại học với bao ước mơ, hoài bão về một tương lai tốt đẹp

Những ngày này, các tân sinh viên đang náo nức nhập trường. Bên cạnh những niềm vui với nhiều ước mơ, hoài bão, bước vào cuộc sống tự lập, các em sẽ khó tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn, thậm chí không ít cám dỗ. Nếu không có kế hoạch học tập cụ thể và tinh thần vững vàng, rất có thể một số em sẽ bị “tuột dốc”, nhanh chóng đánh mất mục tiêu ban đầu, thậm chí tương lai của chính mình.

Bất đồng khi ở ghép

Bước chân lên thành phố, việc đầu tiên là tìm được nơi ở phù hợp với nhu cầu và ví tiền của mình, nhiều tân sinh viên có xu hướng tìm ở ghép để giảm bớt gánh nặng tiền phòng cũng như chi phí sinh hoạt. Đây cũng là lúc các em khó tránh khỏi những khúc mắc khi ở chung.  

Tân sinh viên: Cẩn trọng với những sai lầm dễ mắc - Ảnh 1.

Nhiều sinh viên "thua cuộc" ngay từ năm đầu nếu không có một kế hoạch, định hướng học tập rõ ràng

Từng rất hăng hái tìm người ở ghép để kết bạn mới cũng như giảm gánh nặng chi phí, Phạm Linh - sinh viên năm 2, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã có thời gian ám ảnh với việc ở chung với bạn trọ học cũ. Linh chia sẻ: "Năm nhất mới lên Hà Nội tìm được một phòng trọ khép kín, đủ tiện nghi cơ bản thì giá lại khá đắt so với sinh viên bọn em nên em phải tìm người ở ghép. Ban đầu cả 2 rất hòa thuận, nhưng càng về sau càng không hợp nhau về cả suy nghĩ lẫn lối sống".

Sau đó, Linh quyết định chuyển ra ngoài và tìm được người bạn mới. "Cô bạn này tính tình khá hiền lành, hay giúp em trong học tập và cùng quê, có nhiều điểm chung khiến em nghĩ đã tìm được bạn trọ phù hợp. Ai ngờ mọi thứ vẫn không như em tưởng tượng. Ở với nhau đến tháng thứ 2 thì cô bạn "bốc hơi" luôn. Em đi học về không còn thấy người hay đồ đạc nữa, điện thoại cũng không liên lạc được. Quá sợ vì 2 lần ở ghép thất bại, em đành chọn ở riêng trong căn phòng nhỏ hơn, được tự do, thoải mái hơn. Tuy nhiên đây cũng là lúc vấn đề chi phí vượt quá khả năng của em khiến em không khỏi đau đầu" - Linh tâm sự.

"Sống thử" theo tâm lý đám đông

Ngoài ở ghép thì hiện tượng sống thử cũng là vấn về mà các tân sinh viên cần đặc biệt chú ý. Một cô bạn của Ngân chia sẻ: "Năm nhất lên đại học, em có quen và yêu một anh khóa trên. Không suy nghĩ nhiều, em dọn tới ở chung với anh như vợ chồng. Khoảng thời gian đầu rất ổn nhưng lâu dần, sự bất đồng quan điểm, xích mích cãi vã xảy ra thường xuyên. Sau khi "chiếm" được em rồi, anh ta cũng dần chán. Cuối cùng bọn em chọn giải pháp chia tay".

Theo một cuộc khảo sát của Viện Khoa học Xã hội TP.HCM và TƯ Đoàn TNCS HCM tại 5 trường ĐH ở TP.HCM và 3 trường ĐH ở Hà Nội năm 2021, chỉ có khoảng gần 30% sinh viên nhất quyết phản đối quan hệ tình dục trước hôn nhân. Số còn lại chấp nhận, coi đó là việc bình thường hoặc đánh giá đó là việc không tốt, nhưng cũng không phản đối.

Buồn chán vì cuộc tình tan vỡ lại phải chuyển đi chỗ khác thêm áp lực về việc tìm trọ, cô gái thực sự bế tắc và gần như rơi vào trầm cảm. Việc sinh hoạt, ăn ngủ thất thường, học hành thì bỏ bê. Kết quả là sức khỏe giảm sút trầm trọng, học tập cũng bị tụt dốc nghiêm trọng.

Số liệu của Bệnh viện phụ sản Hà Nội cho biết, chỉ 10-15% các cặp sống thử đi đến hôn nhân và cuộc hôn nhân cũng thật mong manh. Bởi khi sống thử, các bạn trẻ đã biết tường tận về nhau, cống hiến những điều đẹp đẽ nhất cho nhau. Vì thế, khi kết hôn, đời sống vợ chồng không còn mặn nồng như trước.

"Không phải bạn trẻ nào cũng thích sống thử, nhưng nhìn chung tâm lý của giới trẻ bao giờ cũng thích thử".

GS.TS.Nguyễn Thị Hoài Đức, nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và Gia đình

"Ngủ quên trên chiến thắng"

Nhiều sinh viên năm nhất cho rằng chỉ cần đỗ vào đại học là sẽ được "xả hơi" dẫn đến tâm lý "ngủ quên trên chiến thắng", lơ là học hành, dần dần đánh mất mục tiêu ban đầu của mình.

Chân ướt chân ráo bước vào môi trường mới nhiều hấp dẫn bởi những cuộc vui mới lạ, Bá Việt (từng là sinh viên Đại học Hà Nội) đã bị nhà trường cảnh báo và buộc thôi học vì bảng điểm quá thấp. Việt cho biết: "Năm nhất em đi học với tâm thế chủ quan. Em nghĩ học đại học rất nhẹ nhàng, không phải kiểm tra miệng như hồi cấp ba, miễn là điểm danh đầy đủ và đến ngày thi có mặt là được nên em học hành bê trễ dẫn đến điểm số thấp. Trường yêu cầu phải có chứng chỉ tiếng Anh mới đủ điều kiện đăng kí môn học, nhưng vì mải tụ tập bạn bè, vui chơi nên em đã không lấy được chứng chỉ tiếng Anh dẫn tới đăng kí thiếu môn, nợ nhiều môn buộc em phải thôi học để đi làm".

 Trượt vào bẫy đa cấp

Mặc dù đã được cảnh báo và tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiên thông tin đại chúng nhưng những chiếc bẫy hàng đa cấp, những lời quảng cáo về việc làm online nhẹ nhàng với mức lương hấp dẫn vẫn xuất hiện nhan nhản khắp nơi luôn rình rập các bạn tân sinh viên.

"Ở trên Facebook bây giờ có rất nhiều bài tuyển cộng tác viên viết content nhưng nếu không tỉnh thì rất dễ bị lừa" - Ngô Thu Hằng, cựu sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết.

Kinh nghiệm được Hằng rút ra khi chính bản thân đã từng trải qua thực tế này ngay năm đầu đại học. Nhận công việc trực tuyến với mức tiền công khá hời là 35.000 đồng cho 1 bài viết khoảng 200 từ. Tuy nhiên, Hằng cho hay: "Họ bảo khi em viết xong thì gửi cho họ, họ sẽ chuyển khoản cho em. Em viết 25 bài trong 1 tháng, lúc nhận bài rồi họ mất hút luôn".

Ngày nay, các công ty hàng đa cấp cũng có nhiều thay đổi về diện mạo cũng như tên gọi, nhưng nhìn chung đặc điểm nhận dạng của đa số những công ty đa cấp đều là lương cao, công việc nhẹ nhàng và cơ hội để kiếm tiền rất nhanh chóng và đơn giản. Nắm bắt tâm lý muốn thành công và có thể phụ giúp kinh tế gia đình của nhiều tân sinh viên, nhiều công ty đa cấp vẫn lén lút hoặc công khai hoạt động, lừa gạt tiền bạc, công sức của nhiều bạn sinh viên dễ gây hậu quả khó lường.

"Để đảm bảo quyền lợi, mọi công việc cần giao kết hợp đồng rõ ràng, có thể bằng văn bản, thư điện tử hoặc hình thức khác".

Luật sư Đoàn Trọng Bằng, Công ty Luật TNHH Black & White (Hà Nội)

Với những rủi ro khi đi làm thêm như vậy nhưng theo các luật sư, quyền lợi của các bạn sinh viên khó được đảm bảo cũng bởi những công việc làm thêm này thường không có giao kết hợp đồng lao động.


Để đi đến đích, tân sinh viên phải làm gì?

Thực tế, cánh cổng đại học là bước ngoặt đánh giá sự tự lập, trưởng thành của mỗi người. Theo các anh chị sinh viên đã từng đi trước thì các tân sinh viên cần chuẩn bị tâm lý thật tốt để hòa nhập với cuộc sống mới, nỗ lực ngay từ những ngày đầu để đạt được ước mơ của mình. 

Bên cạnh đó, các tân sinh viên, nhất là các em ở nông thôn ít va vấp thường có tâm lý "nhẹ dạ cả tin" dễ bị lừa hoặc bị bạn bè rủ rê lôi kéo vào những điều không tốt. Vì thế, các em cần lưu ý chọn bạn mà chơi, có chính kiến, tránh vướng vào tệ nạn xã hội.

Việc thay đổi mối quan hệ xã hội cũng khiến các tân sinh viên phải dần dần thích ứng. Theo các nhà xã hội học, sinh viên phải làm quen và tạo dựng các mối quan hệ tích cực, tránh xa những người có thể khiến bản thân rơi vào tệ nạn, cạm bẫy xã hội... Sinh viên cũng phải tự học cách chăm sóc bản thân, rút kinh nghiệm từ những người đi trước, tự quản lý thời gian, tiền bạc, cách chi tiêu… Muốn học tập và phát triển tốt ở bậc đại học thì phải siêng năng, chủ động hơn rất nhiều.

"Nhiều tân sinh viên có thể thất bại ngay ở một trường đại học top đầu nếu như không có ý chí, thái độ nghiêm túc trong việc học. Ngược lại, sinh viên mới nhập học có thể thành công ở một ngôi trường không nổi tiếng nếu như các bạn học tập với thái độ nghiêm túc và có nghị lực vươn lên. Vì học tập ở môi trường đại học so với trường phổ thông có sự khác biệt rất lớn".

GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm