Tân Uyên, Lai Châu: Người dân gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm nông sản

Trường Sa
19/05/2025 - 11:05
Tân Uyên, Lai Châu: Người dân gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm nông sản

Người dân ở xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm bí xanh

Chuyển đổi canh tác lúa sang sản xuất hoa màu đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho chị em hội viên, phụ nữ ở xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên, Lai Châu), tuy nhiên khâu tiêu thụ sản phẩm nông sản hoa màu của bà con còn gặp nhiều khó khăn thách thức.

Kể từ khi chuyển đổi cây trồng từ lúa sang hoa màu như ớt, bí xanh, gia đình chị Hoàng Thị Hoài đã có nguồn thu nhập khá hơn, bởi mỗi sào ruộng trồng 2 vụ lúa/năm chỉ đủ nhu cầu lương thực cho gia đình, còn trồng ớt, bí xanh thì giá trị kinh tế có thể cao hơn từ 5-7 lần so với lúa.

Thế nhưng cái khó mà gia đình chị gặp phải là đầu ra cho ớt, bí xanh thường không ổn định, lúc giá cao thì không có hàng để bán, lúc giá rẻ thì không tìm được người mua.

Chia sẻ với PV Báo PNVN, chị Hoài cho biết: “Vào vụ đông, thì bí và ớt đều tiêu thụ rất tốt mà giá lại cao, chẳng hạn như bí xanh có giá từ 7-8 nghìn đồng/kg, sản xuất ra bao nhiêu cũng có khách hàng đến mua tận ruộng. Nhưng vào vụ xuân hè thì giá rất rẻ, mà lại khó tìm được người mua, chẳng hạn hôm nay gia đình tôi thu hoạch được hơn 2 tấn bí xanh, đợi từ sáng đến giờ vẫn chưa có người đến mua, giá bán thì chỉ được 3 nghìn đồng/kg. Nói chung làm hoa màu thì hiệu quả cao hơn là trồng lúa, trồng ngô, nhưng cái khó nhất vẫn là ở đầu ra tiêu thụ sản phẩm”.

Tân Uyên, Lai Châu: Người dân gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm nông sản- Ảnh 1.

Chị em phụ nữ ở xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, Lai Châu, tích cực chuyển đổi mô hình trồng cây hoa màu

Những năm qua, chị em người Khơ Mú ở xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên, Lai Châu), cũng tích cực hỏi hỏi kinh nghiệm để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang hướng sản xuất hàng hóa, phá vỡ tập quán sản xuất canh tác theo lối tự cung, tự cấp như xưa, điều này đã đem lại nhiều khởi sắc cho kinh tế các gia đình.

Tuy nhiên, do ở địa bàn xa xôi, thị trường tiêu thụ sản phẩm nhỏ, tất cả vẫn trông chờ vào thương lái thu mua và chuyển về các tỉnh miền xuôi để tiêu thụ, nên người dân vẫn rơi vào cảnh bị động với đầu ra sản phẩm, khiến cho nhiều chị em e ngại trong việc đầu tư sản xuất hoa màu.

Ông Hoàng Văn Hưng, ở thôn Hô Ta, xã Phúc Khoa, cho biết: “Đầu tư làm hoa màu thì chi phí cao hơn so với các loại cây trồng truyền thống, với một sào ruộng trồng bí xanh, có thể phải đầu tư giống, giàn leo và phân bón, thuốc trừ sâu, lên tới 15-17 triệu đồng, so với khả năng kinh tế chung của các hộ gia đình trong thôn thì cũng là khá lớn. Nếu như gặp thời điểm giá rẻ, khó tiêu thụ thì người dân đều e ngại không dám mạnh dạn đầu tư vào sản xuất hoa màu”.

Đã có một số thương lái ở các tỉnh miền xuôi quan tâm thu mua sản phẩm nông sản từ Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, tuy nhiên, điều khó khăn là việc sản xuất nông sản hoa màu ở địa phương này vẫn còn khá nhỏ lẻ, khiến cho lượng hàng hóa chưa nhiều và chưa đều đặn. Trong khi đó, đường sá vận chuyển thì lại quá xa xôi, để sản phẩm về đến thị trường lớn như Hà Nội sẽ bị đội chi phí vận chuyển lên rất nhiều.

Ông Nguyễn Trọng Hanh, một thương lái nông sản, ở Hưng Yên, chia sẻ: “Tôi cũng lên đó mua bí xanh rồi, giá trên đó thì rẻ, tuy nhiên lượng hàng hóa không đều, có lúc thì gom được chục tấn, có lúc chỉ được vài tấn, nên cước vận chuyển bị đẩy lên, rất khó làm. Cũng mong người dân trên đó đầu tư sản xuất với quy mô lớn hơn, lượng hàng đều hơn thì các thương lái mới có thể đầu tư tiêu thu lâu dài cho họ”.

Tân Uyên, Lai Châu: Người dân gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm nông sản- Ảnh 2.

Vào thời điểm hiện tại giá bí xanh ở Tâu Uyên, Lai Châu chỉ được giá 3 nghìn đồng/kg

Bà Phạm Thị Mai, Chủ tịch Hội LHPN xã Phúc Khoa, cho biết: “Những năm qua Hội LHPN xã cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ chị em chuyển đổi từ cây lương thực sang cây trồng hoa màu để có hiệu quả kinh tế cao hơn. Hội LHPN xã đã kết nối với doanh nghiệp để họ hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật và thuốc trừ sâu cho các hộ gia đình người dân địa phương canh tác các loại cây hoa màu như bí xanh, ớt. Tuy nhiên, sản lượng hiện nay chưa nhiều, nên cũng gặp khó khăn về đầu ra. Trong thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục cùng chị em hội viên, phụ nữ đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng hoa màu, khi có số lượng lớn, ổn định thì việc kết nối với các lái thương tiêu thụ bền vững sẽ tốt hơn”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm