pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tăng cân sau phẫu thuật tuyến giáp: 4 việc người bệnh cần làm để giảm cân an toàn
Ảnh minh họa
Các cuộc phẫu thuật loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp là chỉ định mà bác sĩ thường sử dụng trong điều trị các bệnh về tuyến giáp như ung thư tuyến giáp, cường giáp, phì đại tuyến giáp...
Sau phẫu thuật tuyến giáp, nhiều bệnh nhân gặp tình trạng tăng cân nhanh. Theo ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn (chuyên ngành Ung bướu, Giảng viên Đại học Y Dược - ĐHQG Hà Nội): Sở dĩ người bệnh tuyến giáp thường dễ bị tăng cân là do khi tuyến giáp suy yếu, quá trình trao đổi chất có thể chậm lại đáng kể, khiến cho người bệnh đốt cháy ít calo hơn. Hơn nữa, tình trạng suy giáp cũng khiến người bệnh mệt mỏi, đau nhức và ít tập thể dục hơn.
Bên cạnh đó, một số người bệnh tuyến giáp bị mất cân bằng nội tiết tố, từ đó cản trở việc giảm cân thành công như: mức độ thấp của leptin và ghrelin - đây đều là những hormone điều chỉnh cân nặng và sự thèm ăn góp phần gây béo phì và không thể giảm cân.
So với những người cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp thì sự tăng cân ở những người cắt bỏ một phần tuyến giáp xảy ra ít hơn.
Hầu hết các nghiên cứu chỉ ra rằng sự tăng cân sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp xảy ra nhiều trong vòng 2 năm sau phẫu thuật.
Ở những nhóm bệnh nhân này, nếu muốn giảm cân thì cần tham khảo tư vấn của bác sĩ về lượng calo cần thiết. Đặc biệt, nên tránh xa một số thực phẩm như: thịt chế biến sẵn, đồ ăn nhanh hay bất cứ thứ gì nhiều calo mà hàm lượng dinh dưỡng thấp. Dưới đây là 4 việc người bệnh cần làm để giảm cân hiệu quả, an toàn:
1. Dùng hormone tuyến giáp theo liều lượng được kê
Nhiều bệnh nhân có xu hướng quên uống hormone tuyến giáp hàng ngày, điều này có thể ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe. Ngoài ra, họ cũng không nên sử dụng quá liều hormone tuyến giáp để giảm cân nhanh chóng vì có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
Tốt nhất là người bệnh cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian sử dụng thuốc của bác sĩ.
2. Theo dõi lượng calo hàng ngày
Việc dung nạp không đủ lượng calo cần thiết hàng ngày có thể khiến cho chức năng tuyến giáp của bạn xấu đi. Bạn cần trao đổi với bác sĩ để xác định lượng calo cần cung cấp hàng ngày thông qua các loại thực phẩm. Cố gắng loại bỏ các món gây béo như thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh hay bất cứ thứ gì nhiều calo mà hàm lượng dinh dưỡng thấp.
3. Tập thể dục thường xuyên
Việc tập thể dục thường xuyên nghe có vẻ không liên quan và không được quan tâm nhưng nó lại giúp việc cân bằng hormone trong cơ thể tốt hơn, cải thiện tâm trạng, mức năng lượng, thậm chí cải thiện giấc ngủ.
Đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội hay tập thể dục tại nhà giúp bạn tiến gần hơn với việc duy trì cân nặng hợp lý.
4. Bổ sung đủ chất đạm
Khi phải loại bỏ khá nhiều loại thực phẩm ra khỏi thực đơn, có lẽ bạn băn khoăn không biết loại thực phẩm nào nên sử dụng. Thực phẩm mà bác sĩ khuyên dùng đó là ngũ cốc nguyên hạt giàu dinh dưỡng, thịt gà, cá, trứng,...
Protein giúp hạn chế cảm giác đói, hỗ trợ sự phát triển của cơ bắp, kết hợp với việc tập thể dục sẽ giúp cho quá trình trao đổi chất diễn ra hiệu quả hơn.
ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn nhấn mạnh rằng, cơ thể luôn cần có thời gian để thích nghi với việc thiếu đi một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Do đó, hãy tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và tham khảo những mẹo nhỏ giảm cân để luôn duy trì được cân nặng hợp lý.